Những người phá bom

Tin tức - Ngày đăng : 19:30, 02/05/2020

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời phá bom vẫn còn đọng lại trong tâm trí của họ. Ký ức không sợ hãi dù cái chết luôn cận kề...

 Ông Vũ Xuân Tưởng ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã từng phá được nhiều bom từ trường

Quả bom "lì lợm"

Tác phong nhanh nhẹn, ít ai nghĩ ông Vũ Xuân Tưởng năm nay đã 73 tuổi. Trong căn nhà đơn sơ ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), những tấm huân chương và kỷ vật thời chiến luôn được ông Tưởng giữ gìn cẩn thận. Mỗi lần nhìn ngắm chúng, ký ức về một thời chiến tranh trong ông lại ùa về.

Ông Tưởng nhập ngũ tháng 9.1965. Sau một thời gian, ông được điều về Tiểu đoàn 60, Binh trạm 32, Binh đoàn Trường Sơn (Bộ Tư lệnh 559). Binh trạm 32 thời bấy giờ được coi là "yết hầu" của đường Trường Sơn. Đây cũng là địa điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom từ trường và các loại bom khác. Sau một thời gian chở thương binh, ông Tưởng được đơn vị giao lái xe phá bom từ trường, mở đường cho những chuyến vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam. Chiếc xe ấy do một mình ông điều khiển. Đây là chiếc xe bọc thép, có 2 chỗ ngồi, khoang lái nhỏ và thấp. Phía sau lưng người lái có một máy nổ phát điện và một số thiết bị để phóng từ trường phá bom. Công việc này đòi hỏi người nhận nhiệm vụ phải dũng cảm, chỉn chu và chuẩn xác từng chi tiết nhỏ.

Lần phá bom từ trường vào mùa khô năm 1968 là kỷ niệm khiến ông Tưởng nhớ mãi. Khi ấy, đồng chí Chính ủy Binh trạm 32 Đặng Văn Ngữ trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông phá 17quả bom từ trường trong đêm. Như mọi khi, ông Tưởng chuẩn bị đầy đủ quân tư trang, lái xe đi đối diện với "hung thần". Quả bom từ trường thứ nhất phát nổ cách ông chừng 30 m, đất đá, cành cây bay tung tóe, nhưng ông cố gắng vững tay lái. Những quả bom tiếp theo đều được ông chế ngự an toàn. Đến quả bom từ trường số 7 thì lại nằm ngay giữa đường, nhô lên trên mặt đất. Ông Tưởng lái xe tới gần rồi lùi lại, đóng mở cầu dao 4 lần nhưng quả bom vẫn lì lợm không nổ. Đơn vị yêu cầu ông lái xe vượt qua quả bom này. Dù nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm nhưng ông không chút do dự, lái xe tiến gần hơn về phía quả bom. Bỗng nhiên, một va chạm mạnh ở phía gầm khiến chiếc xe chững lại. Bộ đội công binh nhanh chóng dùng đất, đá kê cho 4 bánh xe lăn qua. Sau đó, ông Tưởng nhấn ga, vượt qua quả bom an toàn nhưng bom vẫn chưa phát nổ. Khi ông Tưởng phá xong quả bom thứ 17 thì lúc ấy đã 1 giờ sáng. Đến sáng hôm sau, quả bom số 7 mới phát nổ khi một chiếc xe tải của ta đi qua. "Phá được bom mìn thông thường đã khó, phá bom từ trường lại càng khó khăn hơn vì sức công phá của chúng rất lớn. Quả bom từ trường số 7 đã giúp bộ đội công binh của ta xác định có bom từ trường nổ chậm", ông Tưởng chia sẻ. 

Không chỉ lái chiếc xe phá bom từ trường, ông Tưởng còn cùng đồng đội dùng nhiều cách để phá loại bom này. Ông từng lấy một sợi dây dài hơn 30 m, dùng tay điều chỉnh dây để kéo miếng sắt tiến gần quả bom, khi bắt được tín hiệu thì bom sẽ phát nổ. Những quả bom từ trường nằm sâu trong đất thì phải dùng xẻng bằng đồng để đào rồi mới mang đi hủy.  

Tham gia phá 66 quả bom 

Với ông Vũ Hồng Quang (80 tuổi), thương binh hạng 1/4 ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang), những năm tháng làm nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo dụng cụ và trực tiếp tham gia phá bom ở chiến trường thật khó quên. 

Năm 16 tuổi, ông Quang đã tình nguyện tham gia du kích rồi đi thanh niên xung phong. Năm 1958, ông được cử đi học Trường Trung cấp Công nhân kỹ thuật 1 (nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) rồi về làm việc tại Nhà máy Cơ khí Mai Động. Đầu năm 1967, ông tiếp tục được điều đi học tại Trường 557 thuộc Cục Quân giới, sau đó nhận công tác tại Xưởng Quân giới thuộc Tỉnh đội Đắk Lắk. 

Ông Quang kể thời điểm đó có rất ít phương tiện, dụng cụ để phá vũ khí của địch. Vì thế, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chế tạo dụng cụ phá bom. Ông còn nhiều lần xung phong tháo dỡ bom mìn của địch. Trong 4 năm từ năm 1967-1970, ông đã tham gia phá thành công 66 quả bom các loại. "Quả nhẹ cũng vài kg, quả nặng tới hàng trăm kg. Khó khăn nhất là việc phân loại từng loại bom với từng tính năng của nó để phá hủy. Nếu không giữ bình tĩnh, sáng suốt thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ", ông Quang chia sẻ. 

Sức ép của mưa bom, bão đạn làm ông Quang không ít lần bị thương. Lần làm nhiệm vụ phá bom vào tháng 9.1969 là kỷ niệm ông nhớ nhất. Xác định được vị trí của quả bom rơi, ông Quang đã dùng hai tay và sức của mình cào bới đất tìm. Ông vô tình chạm vào đạn M79 nằm ngay cạnh đó khiến nó phát nổ. Ông Quang chỉ nhớ lúc ấy mình đã ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến. Đạn M79 đã lấy đi cánh tay phải của ông. Cũng trong một lần tham gia phá bom, ông Quang mất đi 4 ngón ở bàn tay trái.       

THẢO NGUYỄN