Đánh kẻ cướp thế nào mới là phòng vệ chính đáng?

Phản hồi - Ngày đăng : 05:08, 15/05/2020

Hỏi: Tôi thấy không ít trường hợp vướng lao lý do đuổi đánh kẻ cướp, vậy chống cự và xua đuổi thế nào mới là phòng vệ chính đáng, không phải đi tù?

VĂN THÔNG (Nam Sách)


Trả lời: Theo khoản 1 điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Do đó, trường hợp kẻ cướp đang có hành vi xâm phạm đến tài sản của bạn, của người khác hoặc của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức khác, bạn được chống trả một cách cần thiết (không được quá mức cần thiết) để kẻ này dừng hành vi xâm phạm.

Ví dụ thứ nhất: Khi bị kẻ gian khống chế để cướp tiền, bạn có quyền chống trả để thoát thân, bảo vệ tài sản. Khi bạn chống trả, kẻ cướp sợ người khác phát hiện nên bỏ chạy. Bạn tiếp tục lao tới đánh gây thương tích nặng thì khi đó không còn được xem là phòng vệ chính đáng, bởi hành vi chống trả đã vượt mức cần thiết.

Ví dụ thứ hai: Thấy kẻ cướp giật túi xách của người khác, bạn có thể đánh vào tay để kẻ này dừng hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, nếu bạn lấy dao chém hắn, hoặc điều khiển xe tông gây tai nạn thì lúc đó đã vượt mức cần thiết, không còn được xem là phòng vệ chính đáng.

Theo khoản 2 điều 22, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, bạn cần thực hiện hành vi chống trả một cách cần thiết, tránh vượt quá mức, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội. Có như vậy, bạn sẽ đảm bảo được an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản và không vướng vòng lao lý.