Chăm sóc trẻ em đừng hình thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:16, 01/06/2020
Nhiều năm nay trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn nhắc tới vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Xung quanh câu chuyện “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” vẫn có nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Có một thực tế, thời gian gần đây trẻ em bị xâm hại, bạo hành, bỏ rơi, bị lạm dụng bóc lột sức lao động… có dấu hiệu tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Ngày 27.5 vừa qua, Quốc hội đã bàn về thực hiện các chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu rõ những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; tiêm chủng; không thu học phí đối với học sinh tiểu học tại các trường công lập... Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Nhiều địa phương đã có những hoạt động thiết thực như tặng quà, sách vở, trao học bổng, khám chữa bệnh, phẫu thuật tim, chỉnh hình miễn phí cho trẻ… Đó là những việc làm ý nghĩa giúp nuôi dưỡng và phát triển những mầm non tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, ở đây đó vẫn xuất hiện tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường. Một báo cáo gần đây của một cơ quan bảo vệ trẻ em cho thấy chỉ từ năm 2015-2019, cả nước đã có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý. Trong đó xâm hại tình dục chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới gần 800.000 trường hợp, hàng trăm nghìn trẻ bị bỏ rơi và hàng chục nghìn trẻ em tuổi 15 tảo hôn. Những kẻ xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có người thân quen, thậm chí ruột thịt.
Nước ta đã có những quy định về chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành. Luật Trẻ em năm 2016 là một ví dụ. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, hơn 40% số người lớn không biết đến Luật Trẻ em. Nhiều trẻ em cũng không biết rõ mình có quyền gì.
Rõ ràng, dù đã có một hành lang pháp lý, nhưng việc hiện thực hóa những văn bản pháp luật vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều bất cập. Nói cách khác là luật chưa làm thay đổi sâu sắc, căn bản đến nhận thức của toàn xã hội về trẻ em.
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Bởi ở đây có những người gần gũi, nắm bắt nhanh và rõ nhất tâm tư, tình cảm, những thay đổi tâm sinh lý của các em ở những độ tuổi khác nhau. Thực tế đau xót và tủi hổ khi nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại bởi chính những người thân trong gia đình mình. Lý do xuất phát từ việc các bậc phụ huynh thờ ơ, sao nhãng, đổ hết trách nhiệm giáo dục cho nhà trường hoặc để con em mình thoải mái tiếp xúc với internet. Cha mẹ, người thân không kiểm soát để con tiếp cận những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Cha mẹ còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ. Cũng có nhiều phụ huynh ngại đề cập đến những vấn đề nhạy cảm làm trẻ không có những thông tin cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những cạm bẫy ngoài xã hội.
Chăm sóc trẻ em cần được gia đình và xã hội quan tâm thường xuyên. Đã có những chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em rõ ràng. Vì vậy, toàn xã hội cần có những hành động và biện pháp cụ thể để chăm sóc thế hệ tương lai của đất nước thật tốt.
LÝ YẾN NAM