Đội hình Việt Nam đấu Olympic Brazil 12 năm trước giờ ở đâu?
Trong nước - Ngày đăng : 11:34, 11/06/2020
Phan Văn Santos: Santos (phải) là nhân vật đặc biệt ở trận đấu đó khi anh là cầu thủ nhập tịch gốc Brazil. Tuy nhiên, điều khiến anh được nhớ tới nhiều nhất là việc không hát quốc ca Việt Nam. Santos có sự nghiệp thành công ở Việt Nam trong màu áo Đồng Tâm Long An. Khi giải nghệ, anh vẫn gắn bó với Việt Nam, làm nhiều nghề và hiện dạy bóng đá ở trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. |
Huỳnh Quang Thanh (số 16): Giai đoạn 2007 - 2008 là thời kỳ rực rỡ của Quang Thanh cả ở cấp độ đội tuyển và CLB. Trước đó một năm, anh được xem là một trong những hậu vệ phải hay nhất châu Á. Không lâu sau trận gặp Olympic Brazil, Quang Thanh cùng tuyển Việt Nam đăng quang AFF Cup. Tuy nhiên, sự nghiệp lẫy lừng của anh kết thúc bằng án phạt nặng sau bê bối cầu thủ Long An bỏ trận hồi năm 2017. |
Vũ Như Thành (phải): Trung vệ tài năng của bóng đá Việt Nam lên ngôi ở AFF Cup 2008 vài tháng sau trận giao hữu với Olympic Brazil. Anh vẫn được xem là trung vệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam cho tới hôm nay. Ngoài sân cỏ, Như Thành vướng nhiều lùm xùm ăn chơi. Những năm gần đây, anh mở học viện bóng đá, tham gia bình luận nhiều trên truyền hình và dành thời gian cho gia đình. |
Lê Phước Tứ: Trung vệ kỳ cựu của tuyển Việt Nam tiếp tục gắn bó với đội tuyển từ đó tới năm 2014 mới chia tay. Anh bước tiếp theo nghiệp huấn luyện, gia nhập lò đào tạo trẻ PVF. Phước Tứ hiện là trợ lý của HLV Hứa Hiền Vinh ở Phố Hiến tại giải hạng Nhất. Cứ theo đà này, ngày trung vệ lừng lẫy này cầm quân ở V.League không còn xa. |
Đào Văn Phong: Cầu thủ sinh năm 1984 là cái tên hiếm hoi trong đội hình Việt Nam đấu Olympic Brazil năm 2008 vẫn còn thi đấu. Anh chơi một số trận cho đội tuyển nhưng không phải là “kép chính”. Sự nghiệp CLB của Văn Phong ấn tượng hơn khi anh chơi cho nhiều đội mạnh trong quá khứ như Khánh Hòa, Hải Phòng, Thanh Hóa và giành một số vinh quang. Văn Phong hiện chơi cho Cần Thơ ở giải hạng Nhất trong mùa bóng có lẽ là cuối cùng của cầu thủ 36 tuổi. |
Nguyễn Minh Phương: Minh Phương đá chính trước Brazil trước khi tiếp tục đá chính cho tuyển Việt Nam ở AFF Cup cuối năm đó. Tuy nhiên, anh chia tay đội tuyển khá sớm và tiếp tục đóng góp cho Đà Nẵng. Sau khi thử sức ở Long An và Đà Nẵng, Minh Phương giờ về dẫn dắt Bình Phước tại giải hạng Nhất. |
Nguyễn Minh Châu: Minh Châu (trái) là cái tên hiếm hoi trong danh sách này vẫn khẳng định được giá trị ở tuyển Việt Nam dưới thời Toshiya Miura. Cuối mùa 2017, Minh Châu giải nghệ ở Hải Phòng. Anh chuyển sang Australia sinh sống, vẫn cập nhật nhiều thông tin về Việt Nam. |
Phan Văn Tài Em: Là trụ cột của đội tuyển cả dưới thời Alfred Riedl và Calisto, Tài Em (phải) tiếp tục cống hiến nhiều năm trước khi chuyển sang nghiệp huấn luyện viên vài năm trở lại đây. Anh từng làm trợ lý ở đội Long An trước khi có một thời gian ngắn dẫn dắt Sài Gòn. Hiện Tài Em về quê nhà Long An và đang mở một lớp bóng đá cộng đồng tại đây. |
Phạm Thành Lương: Lương “Dị” là cái tên duy nhất trong đội hình Việt Nam ngày ấy vẫn còn chơi ở V.League. Anh không còn đá chính nhưng vẫn ra sân khá đều đặn, là điểm tựa chuyên môn và tinh thần cho dàn sao trẻ của CLB Hà Nội. Sự nghiệp đội tuyển của Thành Lương đã kết thúc từ năm 2018. Anh không trở lại dù từng nhận được lời mời của HLV Park Hang-seo. |
Thạch Bảo Khanh (số 8): Sau Santos, Bảo Khanh là người nhiều tuổi nhất trong đội hình tuyển Việt Nam đấu Brazil. Bảo Khanh từ giã đội tuyển và giải nghệ từ năm 2013. Sau này, Bảo Khanh tiếp tục huấn luyện một số cấp độ trẻ ở Hà Nội và hạng Nhất. Anh hiện làm công việc bóng đá cộng đồng. |
Lê Công Vinh: Không lâu sau trận gặp Brazil, Công Vinh giúp tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup với bàn thắng quyết định trên sân Mỹ Đình. Anh tiếp tục khoác áo tuyển tới năm 2016 trước khi giải nghệ. Những năm qua, Vinh làm khá nhiều việc từ chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh, dẫn chương trình truyền hình, làm đào tạo trẻ. |
Theo Zing