Ấn Độ - Trung Quốc: Căng thẳng từ câu chuyện cũ
Bình luận - Ngày đăng : 17:16, 27/06/2020
Binh sĩ lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ canh gác bên tuyến đường cao tốc hướng về phía Leh, giáp biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Từ cuộc đối đầu này cho thấy câu chuyện cũ và những chi tiết mới liên quan tới việc giải quyết tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc sẽ còn kéo dài phức tạp cho tới khi có một cột mốc phân định chủ quyền rõ ràng.
Từ câu chuyện cũ…
Cuộc đụng độ ngày 15.6 vừa qua làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lần đầu tiên từ khi bước vào chính trường đã nói trong một cuộc họp với các bộ trưởng bàn việc phòng chống đại dịch Covid-19: “Tôi muốn bảo đảm với quốc dân rằng sự hy sinh của các binh sĩ sẽ không vô ích. Đối với chúng ta, sự thống nhất và chủ quyền của đất nước là quan trọng nhất”.
Cuộc đụng độ đã gợi nhớ lại những câu chuyện cũ nhưng luôn mới trong quan hệ giữa hai bên trên nóc nhà của thế giới. Ấn Độ và Trung Quốc hiện có 3 khu vực tranh chấp ở biên giới hai nước: phía đông tại khu vực Arunachal khoảng 90.000 km2; phía tây ở Aksai Chin/Ladakh khoảng 30.000 km2 và phía nam gần Nepal, tổng đường biên giới tranh chấp dài khoảng 3.800 km chưa được phân định. Những bất đồng kéo dài về biên giới đã gây nhiều rắc rối cho mối quan hệ song phương kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ năm 1947 và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Khu vực biên giới này mới chỉ có đường kiểm soát thực tế (LAC), còn được coi là ranh giới trên thực tế. Để giải quyết vấn đề biên giới, cả hai bên Ấn Độ - Trung Quốc đã tổ chức 22 vòng đàm phán kể cả ở cấp đặc biệt (phía Trung Quốc cử Ủy viên Quốc vụ dẫn đầu) nhưng chưa có tiến bộ nhiều do khác biệt về độ dài biên giới do mỗi bên đưa ra. Trong các báo cáo gần đây, phía Ấn Độ đưa ra đường biên giới dài 3.800 km nhưng phía Trung Quốc đưa ra độ dài biên giới chỉ có 2.000 km. Một loạt các biện pháp xây dựng được đưa ra giữa hai bên vào các năm 1993, 1996 và 2013 nhìn chung đều được giữ vững đã ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa 2 bên và đến năm 2017 xảy ra đụng độ tại Dokham khiến quan hệ hai bên căng thẳng. Cuộc đụng độ xảy ra ngày 15.6 được cả hai bên quan tâm và “xuống thang” để đối thoại. Thế nhưng những diễn biến trên bằng nhiều tuyên bố rất “bình tĩnh” cho thấy đã có những chỉ dấu về “mức thấp mới” trong quan hệ song phương. Điều này chứng tỏ khôi phục mối quan hệ hòa bình có nhiều bắt trắc là điều nói dễ hơn làm khi cả hai bên chưa xác định được ranh giới cụ thể mà cứ dựa theo đường kiểm soát thực tế (LAC) thì câu chuyện cũ sẽ còn lâu mới kết thúc.
… đến tính toán của mỗi bên
Cuộc xung đột tại thung lũng Galvan có liên quan sâu sắc tới câu chuyện cũ và những tính toán chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng sử dụng vũ khí hạt nhân. Cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Ashok K.Karicha trao đổi với tờ The Guardian rằng: “Những diễn biến leo thang này là nghiêm trọng, tôi không nghĩ chúng chỉ là những sự kiện mang tính nội bộ. Lần này hành vi của Trung Quốc quyết đoán hơn, họ triển khai số quân tương đối lớn. Đó là một phần thông điệp nhắm tới Ấn Độ rằng họ cần phải để tâm tới Trung Quốc trong những vấn đề địa chính trị nhạy cảm”.
Trung Quốc không hài lòng khi Ấn Độ không đáp ứng yêu cầu của nước này tham gia “vành đai và con đường” tức “con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc, trong đó có tuyến đường bộ của Trung Quốc đi qua Nepal tới Pakistan thông ra Ấn Độ Dương. Không những thế, Ấn Độ lại gia tăng củng cố cơ sở hạ tầng tại khu vực tranh chấp (LAC) mà Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đã đâm sau lưng họ. Quan trọng hơn đó là việc Ấn Độ đã tham gia cùng Mỹ, Nhật Bản, Australia để thiết lập một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trung Quốc còn không hài lòng với Ấn Độ khi bộ tứ này đã tổ chức đối thoại an ninh bốn bên (QUAD). Mặt khác, Trung Quốc càng không hài lòng khi năm 2019 Quốc hội Ấn Độ bỏ điều 370 trong Hiến pháp 2019 xóa bỏ quyền tự trị của Ladakh, đưa Ladakh thành lãnh thổ liên bang chịu sự quản lý của chính phủ Trung ương, trong đó có cả Aksai Chin do Trung Quốc quản lý. Điều này đe dọa trực tiếp đến vành đai và con đường của Trung Quốc.
Dường như Ấn Độ đã hiểu việc làm rõ LAC là không thể bởi vì nước này hiểu nguyên tắc "ba không" của Trung Quốc là không có tiền đồ của Ấn Độ trong LAC, không làm rõ ranh giới trong LAC. Từ lý do này, Ấn Độ đã xúc tiến đường đi riêng của mình. Ấn Độ hiểu rõ nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc, tiềm lực quân sự cũng kém hơn nhiều lần. Do đó, Ấn Độ đã xoay trục theo bộ tứ “kim cương” để xây dựng một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tự do và rộng mở, đặc biệt là gia tăng quan hệ với Mỹ. Phía Trung Quốc cho rằng Ấn Độ nghe theo Mỹ để xóa bỏ điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ để gây khó dễ cho Trung Quốc, nhưng đây chính là yêu cầu thực tại của Ấn Độ với vùng tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan mà thực dân Anh để lại cho hai nước Ấn Độ, Pakistan vào năm 1947. Ấn Độ đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng gần khu vực LAC khiến Trung Quốc không thể chấp nhận và cho rằng đây là chiến lược của Ấn Độ nhằm kiểm soát khu vực Aksai Chin và một số khu vực khác.
… và Ấn Độ sẽ xoay trục?
Sau vụ việc ngày 15.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc quân lính Ấn Độ vượt qua biên giới hai lần trong ngày 15.6 nhưng sự kiện 20 sĩ quan và binh lính Ấn Độ thiệt mạng là điều đáng để suy ngẫm hơn một vụ ẩu đả thông thường. Sau sự kiện này, theo hãng tin NSI, Tướng Bipim Rawat, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ được chỉ đạo sẵn sàng phối hợp 3 lực lượng lục quân, hải quân, không quân chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, để đáp trả mọi hành động khiêu khích. Thế nhưng theo giới phân tích, chiến tranh nóng giữa hai bên rất khó xảy ra tại thời điểm đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho cả hai bên. Cũng theo giới phân tích, cuộc xung đột biên giới Ấn Độ - Trung Quốc sẽ “hạ cánh an toàn” thông qua đàm phán, bởi cả hai bên đều hiểu rằng xung đột vũ trang nổ ra sẽ lôi kéo nhiều bên vào cuộc, gây hại không chỉ cho hai bên mà cả an ninh toàn cầu. Và cũng từ sự kiện trên, rất có thể là nguyên cơ thúc dục Ấn Độ xoay trục nhanh hơn sang bộ tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ cầm trịch. Tờ nhật báo HinduStan Times rất có ảnh hưởng tại Ấn Độ đã kêu gọi Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ và kêu gọi đối thoại bốn bên (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australya, Ấn Độ. Cơ chế này tuy chưa phải là một hiệp ước như Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) nhưng QUAD được các bên tham gia cho là đối trọng tiềm năng trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Như vậy, nếu Ấn Độ quyết xoay trục với tốc độ nhanh sang QUAD quả là bài toán khó cho Trung Quốc.
Cuộc đụng độ giữa quân lính Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy không một quốc gia nào xem nhẹ chủ quyền lãnh thổ của riêng mình. Vấn đề đặt ra là không thể thông qua đụng độ để giải quyết tranh chấp mà phải thông qua đàm phán cấp quốc gia, xác định rõ ràng, cắm mốc chủ quyền để phân định biên giới và cùng bảo vệ gìn giữ hòa bình chung.
HẢI HÀ