Những cái chết bóc trần mảng tối của thể thao Hàn Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 14:03, 03/07/2020
Khi Choi Sook-hyun, vận động viên 3 môn phối hợp Hàn Quốc tự sát, điều khiến nhà báo Park Chan-kyong sốc không chỉ là quyết định cùng quẫn của cô gái chỉ mới bước sang tuổi 22.
Choi Sook-hyun, nữ VĐV ba môn phối hợp Hàn Quốc tự sát hôm 26.6. Ảnh: Korea Herald |
Điều khác khiến ông đau đớn là phản ứng của bộ phận dư luận Hàn Quốc, những người tin cái chết của Choi chỉ là cái giá tất yếu phải trả cho việc trở thành một ngôi sao thể thao hàng đầu đất nước.
Trong nhiều năm gần đây, nền thể thao xứ Kim chi liên tục chứng kiến những bê bối từ dàn xếp tỷ số, quấy rối tình dục, hiếp dâm đến hành hạ, mà nạn nhân đều là các vận động viên, những người luôn nằm ở thế yếu hơn so với các quan chức và lãnh đạo thể thao.
Cái chết của Choi Sook-hyun
Choi kết thúc đời mình bằng việc ném mình từ toà nhà cao tầng ở TP Busan hôm 26.6. Những người bạn của cô kể lại hành động dại dột của Choi đã được dự báo từ trước.
Cô nhiều lần tố cáo về việc mình bị quấy rối, sỉ nhục và thậm chí là bị đánh đập bởi huấn luyện viên và bác sĩ của đội ba môn phối hợp Gyeongju City. Năm 2015, ở tuổi 17, Choi được xem là tài năng trẻ đầy hứa hẹn trong bộ môn ba môn phối hợp của Hàn Quốc.
Cô được gọi vào đội tuyển quốc gia, rồi sau này chơi cho đội của thành phố Gyeongju với lời hứa hẹn sẽ trở thành ngôi sao hàng đầu của thể thao Hàn Quốc. Kể từ đấy, bi kịch với cô gái trẻ bắt đầu.
YTN TV hôm 1.7 đưa ra nhiều tin nhắn của Choi cho thấy cô bị đánh đập, quấy rối và sỉ nhục bởi huấn luyện viên, bác sĩ và cả những đồng đội khác trong đội tuyển. Cô bị ép phải mua và ăn hết đống bánh mỳ trị giá 200.000 won (166 USD), như là hình phạt cho việc “lỡ uống quá nhiều nước” và để bị tăng cân.
Cuốn nhật ký của Choi ghi lại nỗi đau của vận động viên trẻ. Cô ước mình có thể chết đi bởi một tai nạn xe hơi, hay bị bọn cướp giết chết. “Đến đây nào và ngậm miệng lại. Nếu tôi thấy sự bướng bỉnh nào trong mắt của cô vào ngày mai, cô sẽ không thể ra đi”, một thành viên cấp cao của đội nói với Choi.
Choi Sook-hyun từng là một vận động viên đầy tiềm năng của thể thao Hàn Quốc. Ảnh: YTN |
Choi đã nhiều lần kêu cứu trong năm 2020, chuyển sang đội khác, kiện lên Hiệp hội thể thao Hàn Quốc, báo cáo cảnh sát. Tuy nhiên, YTN khẳng định đã không có gì thay đổi, và cô gái trẻ chọn giải pháp cực đoan nhất.
Quy tắc ngầm của thể thao Hàn Quốc
Việc Choi tìm đến cái chết dù đã nhiều lần kêu cứu, cũng như thái độ của một bộ phận dư luận Hàn Quốc, cho rằng sự khắc nghiệt mà vận động viên phải trải qua là cái giá phải đánh đổi để thành công cho thấy phần nào mặt tối của nên thể thao nước này.
Trong nhiều năm, Hàn Quốc nỗ lực vươn mình trở thành quốc gia hàng đầu trong nền thể thao thế giới. Tuy nhiên, cái giá họ phải trả là những bê bối hiếp dâm, quấy rối tình dục, hối lộ và dàn xếp tỷ số.
Tháng 1.2019, nhà vô địch Olympic môn trượt băng tốc độ, Shim Suk-hee tố cáo huấn luyện viên cũ đã lạm dụng tình dục cô từ năm 17 tuổi.
Shim chỉ đứng lên tố cáo Cho Jae-beom, huấn luyện viên cũ của mình sau khi ông này vẫn đang chịu án tù 10 tháng vì đánh đập cô và 3 vận động viên khác vào năm 2018.
Yeo Jun-hyung, nữ vận động viên trượt băng tốc độ Hàn Quốc, khẳng định lời tố cáo của nữ vận động viên sinh năm 1997 chỉ là “bề nổi trên tảng băng”.
Vận động viên trượt băng Shim Suk-hee tố từng bị huấn luyện viên cũ cưỡng hiếp. Ảnh: Getty |
Hiệp hội các vận động viên trượt băng trẻ Hàn Quốc khẳng định ngoài Shim, có ít nhất 6 trường hợp vận động viên trẻ khác bị huấn luyện viên và các lãnh đội lạm dụng tình dục kể từ sau tố cáo của nhà vô địch Olympic.
Tuy nhiên, không một ai trong số các vận động viên này dám đứng ra tố cáo. “Họ sợ sự thật được phơi bày sẽ chấm dứt sự nghiệp thể thao của họ”, Yeo nói.
Trong cơn khát thành tích, hầu như không nhà thể thao Hàn Quốc nào thật sự quan tâm đến những gì đã xảy ra đằng sau các tấm huy chương.
“Khi lá cờ và quốc ca Hàn Quốc vang lên ở đấu trường quốc tế, chẳng ai còn nhớ đến những cáo buộc lạm dụng hay đánh đập các vận động viên”, Chung Yong-chul, giáo sư chuyên ngành thể thao của Đại học Sogang, nói.
Một ngày sau lời tố cáo của Shim, Shin Yu-yong, một nữ vận động viên võ thuật khác cáo buộc huấn luyện viên ở trường trung học của cô đã hiếp dâm mình từ năm 2011 đến 2015. Shin khẳng định cô được tay HLV nọ đề nghị số tiền 445 USD để giữ mối quan hệ giữa hai người.
Theo thống kê từ Ủy ban Olympic Hàn Quốc, kể từ năm 2015 đến năm 2019, có ít nhất 124 đơn tố cáo về tình trạng bạo hành và quấy rối tình dục, mà các vận động viên là nạn nhân.
Tuy nhiên, chưa tới 30% số đơn tố cáo trong đó được đem ra toà án. Các vận động viên, đa phần là những người nữ và trẻ, lo sợ quyền lực và sự thao túng của các HLV và lãnh đội sẽ khiến sự nghiệp của họ chấm dứt sớm. Họ phải hy sinh nhiều để theo đuổi nghiệp thể thao đỉnh cao.
Choi tìm đến cái chết bởi tin rằng, cho dù có đòi được công lý, cô cũng sẽ không thể tiếp tục con đường thể thao của mình. Hiệp hội các trẻ Hàn Quốc thống kê từ năm 2001 đến nay, có ít nhất 7 trường hợp vận động viên trẻ nước này tự sát vì các nghi án bị chèn ép, bạo hành.
Cha của Choi tin nếu được chọn lại, ông sẽ muốn con gái mình có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Choi có thể đến trường, gặp gỡ, vui chơi và ăn uống bất kỳ thứ gì cô thích.
Bất chấp tất cả để thành công
Chung Hee-joon, giáo sư khoa học thể thao của Trường Đại học Dong-A tin rằng sự ám ảnh về việc phải gặt hái thành tích bằng mọi giá đã đẩy nền thể thao Hàn Quốc đến hố sâu của sự tham nhũng và bê bối. Số phận của các vận động viên trẻ, vì thế thường ít được quan tâm.
Thậm chí, từ năm 2008, chính phủ Hàn Quốc thống kê được 80% các vận động viên trẻ bị đánh đập hoặc lạm dụng bởi HLV và các đồng đội lớn tuổi hơn.
Tháng 9.2019, Choi In-cheul, HLV trưởng tuyển bóng đá nữ Hàn Quốc, phải từ chức sau hàng loạt đơn tố cáo ông bạo hành và quấy rối các cầu thủ nữ từ nhiều năm trước.
Nhiều tờ báo Hàn Quốc tin rằng Liên đoàn Bóng đá nước này (KFA) biết về điều tiếng của huấn luyện viên Choi In-cheul trong quá khứ, nhưng vẫn làm ngơ để ông ngồi vào ghế HLV trưởng.
Cùng thời điểm đó, chủ tịch một học viện bóng đá ở Hàn Quốc đang bị điều tra vì hành vi hiếp dâm học viên. Ông này còn bị buộc tội nhận hối lộ từ các phụ huynh của học sinh đang theo học trung tâm bóng đá này.
Sau bạo hành và quấy rối là nạn dàn xếp tỷ số. Tháng 5.2008, một cầu thủ trẻ của bóng đá Hàn Quốc được phát hiện chết trong phòng khách sạn. Trong bức thư tuyệt mệnh, anh bày tỏ sự hối hận vì lôi kéo nhiều người khác vào việc dàn xếp tỷ số.
Dưới áp lực từ HLV và các đàn anh, nhiều vận động viên trẻ Hàn Quốc có rất ít sự lựa chọn. Năm 2015, hàng chục cầu thủ Hàn Quốc và các trọng tài bị điều tra vì nghi án dàn xếp tỷ số.
Trước đó, vào năm 2011, 41 cầu thủ đã bị cấm thi đấu trọn đời vì dàn xếp tỷ số. Vấn nạn này thậm chí kéo dài đến tận ngày hôm nay. Tháng 6.2019, Naver đưa tin cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 4 người có liên quan vì việc dàn xếp tỷ số trong một trận đấu thuộc giải U18 nước này.
Năm 2011, nhà báo Choe Sang-Hun của New York Times tin rằng vinh quang của nền thể thao Hàn Quốc những năm qua, đã được xây nên bởi thứ văn hoá bạo hành, quấy rối và tham nhũng. Sau gần một thập niên, mọi thứ dường như vẫn không có gì thay đổi.
Theo Zing