Bức xúc "tín dụng đen"
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:01, 14/07/2020
Mấy tuần nay, câu chuyện vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại di động) gây xôn xao dư luận về một kiểu biến tướng của "tín dụng đen". Thay vì quảng cáo, chào hàng trên cột điện, tường rào, các đối tượng cho vay nặng lãi đã tìm đến khách hàng qua tin nhắn trên điện thoại di động. Khác với hình thức vay với lãi suất "cắt cổ" thông thường, khách hàng vay qua app được chào mời vay vốn với mức lãi suất nhìn qua có vẻ không cao, tiền được chuyển thẳng vào tài khoản, lại không vướng thủ tục thế chấp rườm rà như vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khi bắt đầu giao dịch người vay mới thấy mình bị đưa vào tròng với đủ loại phí khiến lãi suất có thể lên tới 1.000% mỗi năm.
Theo báo Vietnamnet, hình thức vay qua app thực sự là "cắt cổ". Một người vay qua app 5 triệu đồng nhưng số tiền thực được chuyển vào tài khoản chỉ có 3 triệu đồng. 2 triệu còn lại là lãi suất của 1 tháng và các loại phí. Sau 1 tháng người vay vẫn phải trả đầy đủ 5 triệu tiền gốc. Cách làm này thật chẳng khác nào cướp giữa ban ngày. Chưa kể khi không trả được nợ, người vay bị xúi dùng app khác vay tiếp tiền trả nợ và rơi vào vòng xoáy vay trả, trả vay với lãi suất khủng khiếp.
Tại Hải Dương, "tín dụng đen" vẫn đang là vấn đề gây bức xúc dư luận. Khó mà kể hết những trường hợp bị các đối tượng cho vay nặng lãi khủng bố bằng bom xăng, chất bẩn để đòi nợ, các gia đình điêu đứng vì có người thân trót vay từ "tín dụng đen". Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã điều tra, khởi tố 10 vụ án, xử lý hành chính 45 vụ liên quan đến "tín dụng đen". Mới đây nhất là việc triệt phá đường dây "tín dụng đen" lớn ở huyện Thanh Hà do 2 anh em Lê Văn Hà và Lê Công Hanh ở xã Cẩm Chế cầm đầu. Đối với vay qua app, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đang tiếp nhận khá nhiều hồ sơ mà người vay không trả được nợ.
Dù được cảnh báo hậu quả nguy hiểm nhưng số nạn nhân của "tín dụng đen" vẫn không giảm, các tổ chức cho vay nặng lãi vẫn tồn tại dù lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý. Nguyên nhân rất đơn giản, có cầu thì có cung. Nhu cầu vay tiền để sản xuất, kinh doanh, mua sắm phương tiện đi lại... luôn hiện hữu và ngày càng tăng. Muốn vay tiền có thể hỏi bạn bè, người thân hoặc đến ngân hàng. Đương nhiên, để bảo đảm an toàn nguồn vốn cho vay, ngân hàng phải đưa ra các điều kiện ràng buộc đối với người vay. Trong khi đó, tâm lý của nhiều người là muốn vay nhanh gọn, ít thủ tục. Chưa kể không ít người làm ăn bất chính, vướng vào cờ bạc, cần lượng lớn tiền để trang trải mà lại chẳng còn tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng nên đã tìm đến "tín dụng đen". Người muốn vay tiêu dùng với quy mô nhỏ 5-10 triệu đồng cũng có khi ngại đến ngân hàng nên chọn vay qua "tín dụng đen"...
Làm gì để xóa bỏ "tín dụng đen" cả vay trực tiếp và qua mạng là vấn đề khó, đòi hỏi chính sách pháp luật đồng bộ. Các đoàn thể nên tiếp tục phát huy hiệu quả của việc tạo nguồn quỹ luân chuyển để giúp hội viên vay vốn. Các ngân hàng tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong tiếp cận các nguồn vốn vay. Lực lượng công an kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng, đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm cho vay nặng lãi. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hướng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh, không tham gia vay "tín dụng đen"...
HOÀI ANH