Niềm vui ngậm ngùi của giáo viên trường tư

Góc nhìn - Ngày đăng : 18:10, 18/07/2020

Cuối cùng thì giáo viên trường tư cũng đón một tin vui khi Thủ tướng đồng ý mở rộng người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, trong đó có giáo viên tư thục.

Theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giáo viên trường tư được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng/người, thời gian hỗ trợ tối đa trong 3 tháng. Ước tính cả nước có khoảng 30.000 giáo viên trường tư gặp khó khăn.

Trong số này, không phải tất cả đều được hưởng trợ cấp đủ 3 tháng mà sẽ phải dựa trên mức độ ảnh hưởng để xét trợ cấp từ 1 đến 3 tháng. Có nghĩa người được trợ cấp ít nhất là 1,8 triệu đồng (1 tháng) và nhiều nhất cũng chỉ 5,4 triệu đồng (3 tháng).

Nghị quyết 42 quy định "thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1.4, không quá 3 tháng".

Nhưng trên thực tế, nhiều trường tư ở các địa phương đã phải đóng cửa từ tháng 2 và chỉ được phép mở cửa trở lại vào giữa tháng 5, thậm chí nhiều trường mầm non tư thục tới tháng 6 mới hoạt động trở lại.

Nhiều giáo viên đang chấp chới muốn bỏ nghề khi sắp hết kiên nhẫn theo đuổi công việc vất vả, lắm rủi ro, giờ đã lại tạm cất lá đơn xin nghỉ việc vào ngăn bàn. Niềm vui ngậm ngùi giữa bộn bề lo âu.

Khoản trợ cấp tuy rất ít ỏi so với những khó khăn kéo dài mà hàng chục nghìn giáo viên trường tư phải đối diện nhưng lại thắp lên hi vọng le lói rằng họ không đơn độc, không đứng "bên lề" những chính sách hỗ trợ và khoảng cách về đãi ngộ giữa giáo viên trường công và trường tư đã bắt đầu được rút ngắn hơn.

Trên thực tế, trong 3-4 tháng đỉnh điểm của dịch COVID-19, nhiều trường tư đã phải chấm dứt hợp đồng với hơn 50% giáo viên. Nhiều trường khác tuy cố "giữ người" nhưng kéo dài tình trạng không trả lương vì học sinh không đến trường, trường không có kinh phí chi trả.

Lãnh đạo Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) từng nhận được những tin nhắn, email đọc mà rớt nước mắt của phụ huynh.

"Nếu trường khó khăn thì phụ huynh có thể cho vay tiền để trả lương cho các thầy, cô giáo" - những chia sẻ này tăng thêm động lực cho thầy, cô giáo và nhà trường đã phải cố chống chọi để không liên lụy đến phụ huynh, nhưng rồi cũng không thể gánh nổi chi phí.

Hiệu trưởng nhà trường cho biết cũng phải đi vay tiền để chi trả lương. Một vài trường tư khác cố tiết kiệm, chắt chiu để chi lương cho giáo viên bằng 50%, rồi 30%, rồi cũng tới lúc không còn gì cả.

Chưa hết đại dịch, hàng nghìn giáo viên, cô nuôi mầm non đang phải đi súc rửa chai, bán nước mía vỉa hè, giúp việc nhà... Chưa có lương nhưng họ xác định vị trí của họ ở đó, trách nhiệm ở đó.

Những cố gắng ấy phải được ghi nhận bằng hành động cụ thể, thiết thực. Giáo viên là rường cột của các trường. Không có giáo viên, trường tư dù khang trang, hoành tráng cũng không thể hoạt động. Và để gồng lên giữ đội ngũ giáo viên, các trường tư đã phải xoay xở nhiều cách.

Hỗ trợ trường tư như các doanh nghiệp khác là điều phải cân nhắc vì sự công bằng. Nhưng hơn hết, đó cũng là cách gián tiếp giảm gánh nặng cho người dân và giữ chất lượng giáo dục không tụt dốc.

VĨNH HÀ