Nông dân chật vật mưu sinh dưới “chảo lửa”

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:04, 24/07/2020

Trải qua hàng chục ngày nắng nóng diện rộng, những người nông dân gắn bó với đồng ruộng lại càng thêm vất vả.


Bà Tăng Thị Mẽ cố chăng xong nilon chống chuột

8 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Quỳnh (51 tuổi), ở thôn Lũng Quý, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) mải miết cắt cỏ ở thửa ruộng gần 5 sào của nhà để kịp chăng nilon chống chuột. Ông đã làm được 3 hôm mà vẫn chưa xong. Mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo, chốc chốc ông lại phải dừng tay liềm, gạt mồ hôi trên trán. Trước đó, đúng thời điểm nắng nóng, ông phải đi cấy từ 3 giờ sáng đến 10 giờ trưa, tối muộn ông mới dám ra đồng tiếp vì con cháu đều đi làm xa, không ai phụ giúp.

Còn bà Tăng Thị Mẽ (66 tuổi) ở thôn Cúc Bồ, cùng xã Kiến Quốc cũng ra đồng từ sớm. Chân tay yếu, mắt mờ dần nên hơn 9 giờ bà vẫn chưa chăng xong nilon chống chuột cho thửa ruộng. “Con trai làm thợ mộc, con dâu làm công nhân, không thuê được người nên tôi phải ra đồng. Nắng nóng nhưng không làm cố thì chuột cắn hết lúa lấy gì ăn”, bà Mẽ nói.

Ở xã Kiến Quốc, những người đội nắng cắt cỏ, chăng nilon như ông Quỳnh, bà Mẽ không ít. Năm nay, xã không thuê được công ty diệt chuột như những năm trước, nông dân phải chống chuột bằng cách thủ công là chăng nilon. Việc này không thể soi đèn làm đêm như cấy hay gặt nên ai cũng phải cố.


Chị Đặng Thị Nhân đã có 10 năm làm thợ xây

Xã Hưng Long có diện tích trồng dưa chuột nhiều nhất huyện Ninh Giang. Những ngày này dễ dàng bắt gặp hàng chục nông dân các thôn An Lý, Hán Lý, Hào Khê đội nắng ra đồng trồng dưa vụ hè thu. Gần 10 giờ sáng, nắng đã bỏng rát mặt đường nhưng anh Phạm Văn Nguyên (38 tuổi), ở thôn Hán Lý và 2 người phụ nữ làm thuê vẫn mải miết trồng 4 sào dưa cho vụ mới. Anh Nguyên cho biết: “Tôi dậy từ 4 giờ để bơm nước vào ruộng, trải rơm lên mặt luống để giảm thời gian trồng dưa ban ngày. Nắng cũng phải cố thì mới kịp thời vụ”.

Cách đó không xa, vợ chồng bà Trần Thị Sợi (62 tuổi, ở cùng thôn Hán Lý) người xúc đất bột, người đặt cây con vào luống nhưng được khoảng 30 phút phải “chạy nắng” một lần. Bà Sợi nói: “Trồng dưa cần nhiều công đoạn, khoảng cách giữa các cây phải đều nhau nên không thể soi đèn trồng vào ban đêm. Dù rất mệt vì nắng nóng nhưng chúng tôi phải vừa làm vừa nghỉ để trồng cho xong”.


Một mình làm không kịp, anh Phạm Văn Nguyên phải thuê thêm hai người trồng dưa

Dụng cụ bảo hộ duy nhất trước cái nắng của ông Nguyễn Hữu Sơn (55 tuổi, ở thôn An Lý) khi đi cắt cỏ và nhặt ốc bươu vàng là chiếc mũ nhựa. Nhà nuôi 20 con vịt đẻ và có ao cá nên ngày nào ông cũng phải ra đồng đến hơn 10 giờ dù đang trong đợt cao điểm nắng nóng. Theo ông Sơn, việc đội nón, khăn, mặc áo che kín cả người như chị em rất phiền phức nên dù làn da đã đổi sang màu nâu sẫm ông vẫn cố chịu.

10 giờ 30, khi hầu hết mọi nhà đang chuẩn bị bữa trưa thì tốp thợ xây vẫn miệt mài với công việc của mình. Trời gần trưa, nắng càng rát, hơi nóng phả từ mặt đường, từ tường nhà khiến không khí ngày càng ngột ngạt. Trong khi đó, chị Đặng Thị Nhân (40 tuổi), ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang) vẫn thoăn thoắt tay dao. Tay trái cầm gạch, tay phải dùng dao xây xúc vữa, chị thoăn thoắt xây cố cho xong bức tường để chiều xây sang đoạn tường khác. Nhà cấy hơn 3 sào ruộng nên ngoài mùa vụ chị lại đi xây để lấy tiền nuôi con ăn học. Ít ai biết rằng chị đã có 10 năm gắn bó với công việc này. Nhanh tay thấm mồ hôi trên trán, chị cho biết: “Làm thợ xây thì sáng từ 7-11 giờ, chiều từ 1-5 giờ mới được nghỉ. Nắng một chút nhưng không cố thì lấy đâu ra tiền cho hàng trăm khoản cần tiêu”.

Việc nặng nhọc, vất vả nhưng mưu sinh, có tiền lo cho con cái ăn học thì những người nông dân vẫn phải cố gắng vượt qua. 

LƯƠNG THIỆN