Thi tốt nghiệp THPT 2020: Lo khoảng tối dưới chân đèn
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:14, 30/07/2020
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 quay lại ở nhiều địa phương. Khi có tình huống xuất hiện, thí sinh F1 sẽ bố trí một điểm thi gần với điểm thi chính.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia |
4 nhóm thí sinh
Sáng 29.7, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 rằng trong bối cảnh dịch bệnh, hơn 900.000 thí sinh vẫn sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho thí sinh và công tác phòng dịch, Bộ có kế hoạch phân loại các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm gồm F0, F1, F2 và các thí sinh khác.
Thứ trưởng Độ cho hay với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi) sẽ được xét đặc cách xét tốt nghiệp.
Nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ GDĐT chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, tùy theo số lượng thí sinh thuộc nhóm này.
Nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tùy theo số lượng, Bộ đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi.
Trường hợp còn lại, các em thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương. Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách đảm bảo yêu cầu như: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp…
Đà Nẵng không chờ sát ngày thi mới phân loại
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết vì chỉ còn một tuần lễ sẽ diễn ra kỳ thi nên TP Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị việc tập hợp, phân loại thí sinh cũng như nhân lực cho kỳ thi.
Theo đó, sáng 29.7, Sở GDĐT cũng đã báo cáo UBND TP đề xuất các giải pháp an toàn chống dịch cho kỳ thi và hướng dẫn các điểm thi thực hiện.
Cụ thể, đối với nhóm F0, thí sinh dương tính với Covid-19 nhập viện điều trị, không thể dự thi, Sở đề nghị Bộ GDĐT đặc cách xét tốt nghiệp.
Thí sinh thuộc diện F1, Đà Nẵng sẽ bố trí thi tại điểm thi dự phòng. Đối với F2, nếu số lượng thí sinh dưới 20 em/điểm thi sẽ được dự thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi.
Nếu có trên 20 thí sinh sẽ chuyển về điểm thi dự phòng được bố trí sẵn từ trước. Ngoài các điểm thi chuẩn bị từ trước, Đà Nẵng đã chuẩn bị thêm 7 điểm thi dự phòng cho các tình huống trên.
Cũng theo bà Thuận, cán bộ, giáo viên thuộc diện F0, F1, F2 sẽ không tham gia vào bất kỳ khâu nào của kỳ thi. Đà Nẵng không chờ sát ngày thi mới phân loại thí sinh, cán bộ coi thi, làm thi mà ngay từ thời điểm này đã yêu cầu các nhà trường rà soát danh sách học sinh, cán bộ, giáo viên để Sở có kế hoạch chi tiết về việc chuẩn bị phòng thi, điểm thi cũng như bố trí nhân lực.
Đà Nẵng cũng quy định, tham gia kỳ thi “đặc biệt” này, ngoài những vật dụng được mang theo như bút, thước, compa, máy tính, thí sinh còn được mang theo bình nước uống cá nhân bằng nhựa trong suốt. Thí sinh đeo khẩu trang từ nhà đến điểm thi và đeo trong suốt quá trình thi, chỉ gỡ ra khi giám thị kiểm tra.
Lo khoảng tối dưới chân đèn
Tại Nghệ An, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT cho biết, trước đây mỗi điểm thi chỉ cần có 3-5 phòng thi dự phòng thì nay tăng lên 6-7 phòng.
Cán bộ coi thi ở địa phương này cũng tăng từ 3 dự phòng lên thành 10 người. Sở GDĐT đã yêu cầu 61 điểm thi rà soát lại học sinh và người nhà vừa trở về từ Đà Nẵng để phân loại F1, F2 ngay lúc này để không bị động.
Ông Thành nói rằng, khi có tình huống xuất hiện thí sinh F1 sẽ bố trí một điểm thi gần với điểm thi chính. Khi chỉ có một phòng thi thì vẫn phải chuẩn bị đầy đủ cán bộ coi thi, thư ký, an ninh giám sát.
“Quy chế hiện tại tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho thí sinh tuy nhiên trong việc này Bộ GDĐT phải chỉ đạo quyết liệt, nếu không những điểm thi lẻ này sẽ là khoảng tối dưới chân đèn dễ bị lợi dụng để gian lận thi cử”, ông Thành nói.
Một vấn đề khiến những người tổ chức thi thời điểm này lo lắng chính là việc quy định thí sinh đeo khẩu trang trong suốt giờ làm bài thi sẽ khó khăn trong khâu giám sát gian lận thiết bị công nghệ cao.
Ông Thái Văn Thành nói rằng, khẩu trang hiện nay có rất nhiều loại, nếu điểm thi không cấp phát được cho thí sinh thì các em có thể sử dụng bất cứ loại nào, trong khi thiết bị gian lận công nghệ hiện rất tinh vi.
Ngoài ra, lực lượng an ninh cũng phải tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi, làm thi kỹ năng phát hiện gian lận thiết bị công nghệ cao trước tình hình mới như hiện nay.
Lãnh đạo 1 Sở GDĐT chia sẻ, việc tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 quay lại khiến cán bộ làm thi lẫn thí sinh đều nặng nề về mặt tâm lý.
Thí sinh thì lo lắng, cán bộ thì chẳng ai muốn bị điều động đi coi thi ở khu vực có thí sinh F1. Vì thế, muốn tổ chức tốt kỳ thi, Bộ phải chỉ đạo các địa phương quyết liệt nắm bắt tình hình, sẵn sàng ứng phó các tình huống, tránh hiện tượng đến sát ngày thi mới chuẩn bị sẽ không kịp.
Thứ trưởng GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ tham khảo ý kiến của ngành y tế và an ninh để có những lưu ý cụ thể phòng ngừa tối đa việc gian lận thi khi thí sinh đeo khẩu trang. Bộ GDĐT đề nghị công an các tỉnh phát hiện, ngăn chặn thí sinh mang thiết bị công nghệ vào phòng thi. |
Theo Tiền phong