Nét mới trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Đông
Tin tức - Ngày đăng : 15:34, 01/08/2020
Thời gian qua, Hải Dương đặc biệt quan tâm giáo dục truyền thống, văn hóa cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Học sinh tham quan Bảo tàng tỉnh (ảnh tư liệu)
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng nét văn hóa và phong cách con người xứ Đông theo hướng phát triển toàn diện.
Phát triển toàn diện
Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ đó, các trường đã dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy ở cả 3 cấp học.
Đến nay, 100% số tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã thực hiện xong việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo sát với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền, văn nghệ quần chúng được quan tâm đầu tư. Mỗi năm có từ 2.200 - 2.500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng được thực hiện ở cơ sở.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được tỉnh chú trọng. Việc khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích được thực hiện định kỳ hằng năm. Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 di tích được đưa vào danh mục cần bảo vệ, có 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt là khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), quần thể di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Bia, chùa Giám, đền Xưa (Cẩm Giàng); 141 di tích quốc gia, 229 di tích cấp tỉnh được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Hiện có trên 10.000 hiện vật đã được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các nhà truyền thống.
Nhiều lễ hội truyền thống ở Hải Dương đã khôi phục được các tục và trò chơi dân gian đặc sắc gắn với hoạt động văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Nhân rộng mô hình hay
Thời gian qua, Hải Dương đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 33/TW. Ngành văn hóa đã lồng ghép nội dung của nghị quyết vào tiêu chuẩn bình xét gia đình văn hóa, công nhận làng, khu dân cư văn hóa. Đoàn Thanh niên xây dựng mô hình “Cưới tiết kiệm” cho thanh niên nông thôn, công nhân, viên chức và thanh niên ở khu đô thị. Ủy ban MTTQ tỉnh gắn thực hiện nghị quyết vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Liên đoàn Lao động tỉnh đưa nội dung nghị quyết vào tiêu chuẩn xét công nhận cơ quan, đơn vị văn hóa, gắn với phát động các phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Hội Cựu chiến binh xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, thực hiện phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, xây dựng những điển hình để lan tỏa, nhân rộng...
Thời gian tới, Tỉnh ủy đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33/TW; chủ động điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa; tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa khu vực nông thôn; các thiết chế văn hóa trong các khu, cụm công nghiệp. Dành quỹ đất quy hoạch các thiết chế văn hóa...
ĐÀO VĂN HƯNG