"Nội soi" những tiêu cực của báo chí: Bài 1: Hàng loạt phóng viên tống tiền vướng vào lao lý
Pháp luật - Ngày đăng : 10:20, 04/08/2020
Tống tiền trắng trợn
Mới nhất, ông Lê Văn Lý, người có giấy giới thiệu của tạp chí điện tử Nhân đạo & Đời sống do Văn phòng Đông Nam Bộ của tạp chí này cấp, bị Công an Bà Rịa Vũng Tàu bắt quả tang khi cưỡng đoạt 40 triệu đồng của một doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Không lâu trước đó, Phó trưởng Ban Xã hội- Bạn đọc báo Sức khỏe và Đời sống Trần Trọng Lâm bị Công an Bắc Giang phối hợp với Công an Hà Nội bắt quả tang khi thực hiện hành vi cưỡng đoạt 210 triệu đồng của đại diện Phòng khám Đa khoa Kinh Đô có trụ sở tại Bắc Giang.
Thông tin ban đầu cho biết, nắm bắt được Phòng khám đa khoa Kinh Đô (địa chỉ tại lô 79 đường Minh Khai, phường Xương Giang, TP Bắc Giang) có lỗi nên Trần Trọng Lâm đã đe dọa các cổ đông chuyển tiền nhằm bỏ qua sai phạm nếu không thì sẽ viết bài đăng báo. Khi đại diện phòng khám trên đưa tiền cho Trần Trọng Lâm tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì công an bắt quả tang. Cùng với ông Lâm, còn có hai người khác là Trần Tuyết Nhung, Bùi Thị Xuân là phóng viên, nguyên phóng viên của hai tạp chí điện tử khác cũng đã bị Công an Bắc Giang tạm giữ hình sự.
Ngày 20.7, Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 6 bị can, trong đó có hai phóng viên của Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp về tội cưỡng đoạt tài sản.
Lý do bị bắt theo cơ quan công an, ngày 12.5, một số người lạ mặt đến phòng làm việc của ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, xin gặp muốn tư vấn bồi thường giải phóng mặt bằng, mua lại mỏ đất hết hạn…
Đào Thị Thanh Bình tại cơ quan Công an |
Sau khi có trao đổi qua lại, một người đàn ông lấy một cuốn sổ có kẹp tiền phía trong rút ra nhét vào tay ông Tùng và quay clip.
Nhóm người trên đã dựng clip để tống tiền, đòi 5 tỷ đồng. Ngay sau đó, ông Tùng đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.
Cũng với thủ đoạn tống tiền DN, ngày 20.12.2018, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đào Thị Thanh Bình (sinh năm 1978, nữ phóng viên báo Thương hiệu và Công luận) về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo hồ sơ điều tra, Công ty TNHH LUXSHARE - ICT Việt Nam là công ty nước ngoài có vốn đầu tư lớn ở tỉnh Bắc Giang, có khoảng 4.000 công nhân.
Do số lượng công nhân nhiều, công ty có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cho phép xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, trong lúc chờ cấp phép, công ty đã tự ý khởi công.
Tháng 10.2018, bà Bình liên hệ với công ty và nói rõ các vi phạm, yêu cầu đưa tiền để không đăng tải sự việc lên báo.
Công ty đề nghị bà Bình bỏ qua vụ việc và hỏi số tiền cần đưa để bỏ qua là bao nhiêu. Lúc này, Bình đã ra điều kiện yêu cầu công ty làm việc với người môi giới.
Theo đó, người môi giới đã liên hệ với công ty, ra điều kiện yêu cầu phải đưa 100.000 USD.
Do số tiền trên quá cao nên công ty mặc cả giảm xuống còn 70.000 USD và được bà Bình đồng ý và hẹn tại một địa chỉ ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội để giao dịch.
Nhận thấy việc đòi hỏi của bà Bình vô lý, vi phạm pháp luật, công ty này đã báo cáo cơ quan công an.
Ngày 18.12, khi Bình đang có hành vi nhận số tiền 70.000 USD của ông Tăng Duệ Bằng (quốc tịch Trung Quốc, trú tại phường Lê Lợi, TP Bắc Giang), giám đốc đối ngoại của công ty thì lực lượng công an bắt quả tang.
Đe dọa
Ngày 31.10.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã ra quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Nhất (sinh năm 1993, trú xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Phóng viên Nguyễn Hữu Nhất bị bắt giữ khi cưỡng đoạt 8 triệu đồng của bệnh viện |
Theo hồ sơ điều tra, cơ quan chức năng nhận được tin báo của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác đối tượng nghi giả danh phóng viên có hành vi đe dọa một số cơ sở y tế.
Sau khi điều tra, cơ quan chức năng bắt quả tang Nguyễn Hữu Nhất đang thực hiện hành vi cưỡng đoạt 8 triệu đồng tại BV Đa khoa Đồng Hới.
Cụ thể, Nhất giới thiệu mình là phóng viên, đến một số cơ quan y tế và cho rằng các các giấy chứng nhận sức khỏe của họ cấp chưa đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế.
Nhất đe dọa lãnh đạo các cơ sở y tế và đòi nộp tiền để bỏ qua, nếu không sẽ viết bài trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội...
Ngày 7.8.2019, TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tuyên phạt bị cáo Phan Dũng (sinh năm 1964, trú TP Hồ Chí Minh) 8 năm 6 tháng tù và Nguyễn Văn Uần (sinh năm 1979, trú Đắk Lắk) 7 năm tù giam cùng về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, ngày 28.7, Dũng và Uần thỏa thuận với nhau cùng đến các tỉnh miền Tây quay clip lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ, tìm ra các sai phạm để dọa chiếm đoạt tài sản. Dũng rủ Hiển đi miền Tây chơi.
Uần lái ô tô 7 chỗ chở cả nhóm đi miền Tây, khi đến Tiền Giang thì thấy lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường dẫn cao tốc Trung Lương (TP Hồ Chí Minh) nên tấp xe vào lề đường.
Hai bị cáo Dũng và Uần tại tòa |
Lúc này, Uần, Dũng quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ, còn Hiển ngồi trên xe.
Đến 12 giờ cùng ngày, do trời mua, tổ công tác không làm nhiệm vụ nữa nên Uần, Dũng không quay phim được nữa nên quay trở lại xe.
Trên xe, Dũng đưa máy quay phim cho Hiển xem nội dung đã quay được. Từ các nội dung trong đoạn phim, Hiển đã soạn bài báo trên máy tính liên quan đến sai phạm của lực lượng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang.
Dũng gọi điện cho trung tá L.A.T - Đội trưởng CSGT (Công an tỉnh Tiền Giang) nhưng không được. Sau đó, Dũng đọc số cho Hiển gọi cho trung tá T.
Nói chuyện với trung tá T, Hiển xưng là phóng viên báo Nhân đạo và Đời sống cần gặp để trao đổi một số nội dung liên quan đến lực lượng CSGT mà nhóm của Hiển vừa quay phim, chụp hình được. Trung tá T. đồng ý gặp nhóm của Hiển tại trụ sở.
Khi đến trụ sở Phòng CSGT, Dũng, Hiển vào gặp trung tá T., còn Uần ở ngoài xe. Tại đây, Hiển đưa giấy giới thiệu và thẻ phóng viên của báo Nhân đạo và Đời sống. Dũng cũng xuất trình 1 giấy giới thiệu.
Sau khi xem các nội dung phóng viên ghi nhận, trung tá T. năn nỉ bỏ qua cho anh em nhưng không được đồng ý.
Khi nhóm của Hiển, Dũng ra về, do sợ ảnh hưởng uy tín của lực lượng và trách nhiệm liên đới nên trung tá T. gọi điện cho Dũng kêu vào quán cà phê để nói chuyện, đề nghị bỏ qua.
Nghe xong điện thoại, Dũng, Uần bàn bạc, thống nhất yêu cầu Trung tá T. đưa số tiền 250 triệu đồng. Trung tá T. xin giảm xuống 60 triệu đồng nhưng Dũng không đồng ý và bỏ về.
Đến khuya cùng ngày, trung tá T. tiếp tục gọi cho Dũng và xin giảm còn 90 triệu.
Dũng báo lại cho Hiển nhưng Hiển không đồng ý. Dũng gọi lại cho trung tá T. nói không bớt gì hết, 250 triệu đồng.
Khoảng 17 giờ ngày 29.7, khi Dũng đang nhận 250 triệu đồng từ trung tá T. thì bị CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang. Uần cũng bị bắt giữ sau đó.
Trước thực tế chưa đầy đủ nêu trên mới chỉ cho thấy phần nào hiện trạng không ít phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí lợi dụng nghề nghiệp đe dọa, tống tiền tố chức, cá nhân, vi phạm pháp luật hình sự...
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam Phạm Hồng Quảng cho rằng, đó là những hành động đi ngược với tôn chỉ mục đích người làm báo, không đúng với trách nhiệm xã hội - nghề nghiệp. Do đó, phải khẳng định, hành động này là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo, cần lên án. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 159 về xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, theo hướng mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí cho các địa phương, nhằm tăng cường xử lý các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. |
Theo Vietnamnet
-------------------
Bài 2: Quấy nhiễu doanh nghiệp