Tốt nghiệp nhận thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:48, 08/08/2020
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay làm 2 đợt. Những thí sinh không phải cách ly thi đợt 1 từ ngày 8-10.8. Các thí sinh thuộc nhóm F1, F2 tham gia thi vào đợt 2 cùng với thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam. Thời điểm tổ chức thi đợt 2 do địa phương đề xuất, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi. Đây là một kỳ thi lịch sử khi lần đầu tiên được chia làm 2 đợt do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Xoay quanh kỳ thi năm nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên hủy bỏ bởi lo ngại cho sự an toàn của thí sinh và đội ngũ tham gia tổ chức thi. Việc tập trung đông người trong một thời gian khá dài (3 ngày) có thể làm nảy sinh nguy cơ lây nhiễm nếu trong số những người tham gia kỳ thi mắc bệnh. Nhưng việc loại trừ nguy cơ đó, bảo đảm một kỳ thi được tổ chức an toàn không phải không thực hiện được.
Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, từ trước khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Bộ GDĐT đã luôn yêu cầu Ban Chỉ đạo thi các tỉnh có phương án đối phó với thiên tai, dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu. Vì thế, khi dịch Covid-19 trở lại, các địa phương đã có dự phòng để ứng phó. Thí sinh được sàng lọc, phân loại để bố trí địa điểm thi. Thí sinh thuộc diện F1, F2 được bố trí ở phòng thi hoặc điểm thi riêng và bảo đảm yêu cầu cách ly. Những thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2 cũng phải đo thân nhiệt, bảo đảm giãn cách trong phòng thi. Các phòng thi, điểm thi phải khử khuẩn, mở các cửa cho thông thoáng và tăng lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn…
Bên cạnh đó, ngành GDĐT cùng các gia đình nên nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho thí sinh để các em tuân thủ quy định, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế không chỉ trong thời gian tham gia kỳ thi. Những thí sinh có điện thoại di động nên cài app theo dõi sức khỏe. Để sàng lọc, phân loại thí sinh chính xác, các em cần kê khai trung thực lịch sử dịch tễ nếu có đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc với người thuộc diện F0, F1; thậm chí viết cam kết nếu không khai đúng, đủ thông tin, ảnh hưởng tới kỳ thi sẽ phải chịu trách nhiệm. Ý thức của thí sinh đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tổ chức thi. Trong những kỳ thi trước đây, mặc dù đã được phổ biến, quán triệt từ phía nhà trường, báo chí, Ban tổ chức thi nhưng năm nào cũng có thí sinh vi phạm quy chế như mang điện thoại vào khu vực thi, chậm giờ, quên giấy tờ… Nếu những vi phạm đó chủ yếu ảnh hưởng tới bản thân thí sinh thì sự vi phạm về công tác phòng chống dịch lại có thể ảnh hưởng tới toàn xã hội. Vì thế, ý thức của thí sinh phải được nâng lên hơn nữa. Các em phải nhận thức được trách nhiệm xã hội luôn gắn với trách nhiệm bản thân, việc tuân thủ các quy tắc, quy định không chỉ tốt cho bản thân các em mà còn giúp xây dựng xã hội.
Nếu những biện pháp này được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm không sơ suất thì kỳ thi chắc chắn thành công tốt đẹp. Đây là một dịp để ngành GDĐT chung tay phòng chống đại dịch Covid-19 bằng cách lan tỏa ý thức về vệ sinh phòng dịch. Kỳ thi lịch sử này là một dấu mốc khó quên trong cuộc đời các thí sinh, giúp các em trưởng thành hơn với hành trang bước vào cuộc đời không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp THPT mà cả ý thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.
Trong các phiên họp của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng không được hoang mang, dao động. Thay vì thổi phồng những lo lắng, hoang mang, việc quán triệt sâu sắc tinh thần đó trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay với các biện pháp phù hợp giúp chúng ta vượt qua khó khăn để có một kỳ thi suôn sẻ, thành công.
THÁI HÒA