Những tấm gương điển hình tiên tiến: Tấm lòng của một thầy giáo thương binh
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 22:26, 08/08/2020
Thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng rất tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài
Tháng 4.1970, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Dũng lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của một đơn vị đặc công thuộc Quân khu 5, tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Trong quãng đời binh nghiệp của mình, ông đã 3 lần được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", 1 Huân chương Chiến công. Trận chiến đấu ác liệt vào cuối năm 1974 khiến ông bị thương nặng với mức thương tật 45%. Sau đó, ông được chuyển ra miền Bắc an dưỡng và điều trị. Với nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, năm 1976, ông thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 để được cống hiến phần sức lực còn lại cho sự nghiệp trồng người.
Ra trường, ông được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Tứ Kỳ. Hơn 30 năm công tác, là một giáo viên trở thành Tổ trưởng chuyên môn, rồi Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ. Sau khi nghỉ hưu, thầy Dũng tiếp tục làm Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ II. Dù ở cương vị nào, thầy Dũng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng tập thể giáo viên đưa phong trào của trường ngày càng đi lên. Nhiều năm liền, Trường THPT Tứ Kỳ luôn đạt thành tích cao trong dạy và học, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Năm 2012, trường nằm trong nhóm 100 trường có chất lượng tốt nhất toàn quốc. Trong 4 năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ II (từ năm 2014 - 2018), thầy Dũng dùng khuyến học làm đòn bẩy, đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên rõ rệt. Nếu năm 2014, trường chỉ có 1 học sinh giỏi toàn diện thì đến năm học 2017-2018 tăng lên 28 em. Trường vươn lên đứng thứ nhất về điểm thi THPT quốc gia trong tổng số 13 trường tư thục của tỉnh.
36 năm công tác trong ngành giáo dục, 22 lần thầy Dũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và chiến sĩ thi đua. Năm 2012, thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
Thầy Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, khuyến học. Để có kinh phí chi cho các hoạt động trên, thầy trồng cây cảnh, nuôi ong lấy mật trong mảnh vườn của gia đình. Hằng ngày, thầy Dũng cặm cụi ươm cây ăn quả, cây dược liệu để cấp miễn phí cho những hộ dân có nhu cầu. Từ năm 2016-2019, thầy Dũng đã trao 341 suất học bổng (mỗi suất từ 100.000- 200.000 đồng) cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 3 trường học trên địa bàn xã Văn Tố và Trường THPT Tứ Kỳ II. Thầy Dũng còn tặng xe đạp, máy tính, đồ dùng học tập... để các trường, học sinh có thêm điều kiện dạy và học tốt hơn. Các con cháu trong dòng họ đạt thành tích cao trong học tập, thầy Dũng đều động viên, khen thưởng kịp thời.
Nhận thấy chất lượng phong trào văn nghệ của địa phương chưa cao, thầy Dũng đã tham mưu với xã mở lớp bồi dưỡng hát dân ca và chèo miễn phí, mời giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hải Dương về giảng dạy.
Vết thương thời bom đạn vẫn hành hạ thầy mỗi khi trái gió trở trời nhưng thầy Dũng từng ngày miệt mài với các hoạt động vì cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Lượt, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tứ Kỳ cho biết: "Thầy Dũng có nhiều cách làm hay trong công tác khuyến học. Số tiền ủng hộ tuy không lớn về vật chất nhưng tiếp động lực, chắp cánh ước mơ cho các học sinh nghèo. Việc làm của thầy đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về trách nhiệm và sự sẻ chia".
THẢO NGUYỄN