Những tấm gương điển hình tiên tiến: Ông Cương vượt qua nỗi đau da cam
Xã hội - Ngày đăng : 13:02, 10/08/2020
Ông Cương luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực chăn nuôi phát triển kinh tế
Năm 1972, khi tròn 19 tuổi, ông Cương làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu ở các mặt trận: Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và biên giới Tây Nam. Bom đạn của kẻ thù đã khiến ông chịu nhiều thương tật. Ông bị thương ở chân, đùi, lưng và ảnh hưởng não.
Năm 1982, ông Cương giải ngũ, là bệnh binh, giảm sút 61% sức khỏe. Lúc ấy, ông đang mang quân hàm thượng úy. Sau này, ông được giám định và công nhận bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Theo chia sẻ của ông Cương, suốt từ năm 1990 đến nay là quãng thời gian ông vừa đấu tranh với bệnh tật, vừa dốc sức làm kinh tế. Không có vốn, ông chọn phương thức sản xuất lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu ông mua máy xay xát thóc về phục vụ bà con trong làng. Rồi tiện nhà có máy, ông xát thóc, lấy gạo để nấu rượu kiếm thêm thu nhập. Bỗng rượu làm ra ông dùng nuôi lợn. Vợ chồng ông làm việc hăng say theo kiểu lấy công làm lãi, kinh tế gia đình vững dần lên.
Năm 2015, ông vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nạn nhân da cam phát triển kinh tế của Trung ương hội. Số tiền này ông dùng mua 2 con lợn nái. Nhờ đó mấy năm nay, gia đình luôn có giống tốt, không sợ nguồn lây bệnh từ bên ngoài, hiệu quả chăn nuôi nâng lên. Năm 2017, ông tham gia dự án nuôi thủy sản ở địa phương. Ông vay hàng trăm triệu đồng đầu tư làm 1 mẫu ao nuôi cá. Ông tham gia tất cả các lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức. Tận dụng ao nhỏ trong khuôn viên nhà ở, ông Cương gột cá giống, sau đó mới chuyển ra ao lớn ở khu chuyển đổi. Đây chính là bí quyết giúp ông tăng năng suất, lợi nhuận nuôi thủy sản.
Để đảm đương từng ấy công việc, ngày mới của vợ chồng ông Cương luôn bắt đầu từ 4 giờ sáng. Sự cần mẫn ấy đã mang đến cho gia đình ông nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Giờ đây, trên mảnh đất vốn là thùng vũng năm xưa, ông Cương đã xây dựng căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi trị giá cả tỷ đồng. Trong số 3 người con của ông, có một người chịu di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố, ảnh hưởng đến đôi chân, sức khỏe yếu. Ông vừa một lòng chăm con vừa động viên con cố gắng vươn lên trong học tập. Đến nay, 2 người đã tốt nghiệp các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Xây dựng Hà Nội. Cô con gái út đang theo học tại Học viện Hành chính quốc gia.
Ông Cương chia sẻ: "Sau khi giải ngũ, đối mặt với nhiều khó khăn, tôi đã xác định phải vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Là bệnh binh, sức khỏe yếu nên tôi tâm niệm người ta cố gắng một thì mình phải cố gắng hơn gấp nhiều lần. Đến tận bây giờ, chưa khi nào tôi ngại khó, ngại khổ".
Bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế, chăm lo cho các con, ông còn hăng say tham gia công tác ở địa phương. Từ năm 1995 đến nay, ông đã trải qua nhiều cương vị như Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã. Ông Cương là một trong những hội viên tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế được Hội Nạn nhân chất độc da/dioxin tỉnh biểu dương.
THANH NGA