Kỳ thi ''chưa từng có'' và một quyết định dũng cảm
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:45, 11/08/2020
Các thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc bài thi môn toán ở TP Hồ Chí Minh
Chiều qua (10.8), hơn 860.000 thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1. Kỳ thi năm nay được nhiều người ví von là “chưa từng có” trong lịch sử, một kỳ thi vừa phải đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng vừa đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Lần đầu tiên có 1 kỳ thi 2 đợt
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được lùi lại 1 tháng so với thông lệ đầu tháng 7 hằng năm. Nhưng đến ngày 23.7, khi Đà Nẵng phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên, tiềm ẩn một đợt bùng dịch lần thứ 2, câu hỏi “có nên tổ chức một kỳ thi mà trên 90% học sinh có thể vượt qua hay không?” được đặt ra.
Ngày 31.7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị tạm dừng kỳ thi trên địa bàn.
Trên một số kênh thông tin chính thức và mạng xã hội, nhiều người mạnh mẽ cho rằng Bộ Giáo dụcvà Đào tạo (GDĐT) cần dừng lại, chuyển sang xét tốt nghiệp bằng học bạ, bởi vì sự an toàn của các em và cộng đồng là trên hết.
Một bài toán khó được đặt ra với Bộ GDĐT khi chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi bắt đầu.
Ngày 2.8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Đây là việc rất hệ trọng không chỉ bảo đảm tốt kỳ thi mà còn đảm bảo sức khỏe của học sinh. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chúng tôi đề xuất phương án, kỳ thi năm nay chia 2 đợt".
Cũng theo ông Nhạ, phần lớn địa phương đã sẵn sàng cho kỳ thi.
Ngày 3.8, Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT thực hiện đúng Luật Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng GDĐT quyết định. Đồng thời, nhấn mạnh phải bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Sáng 4.8, Bộ GDĐT chính thức "chốt" phương án tổ chức kỳ thi thành 2 đợt. Theo đó, Đà Nẵng, một số địa bàn của tỉnh Quảng Nam và các thí sinh diện F1, F2 sẽ thi tốt nghiệp THPT vào đợt 2. Thời gian thi đợt 2 do các địa phương tự quyết định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn Điều 34 của Luật Giáo dục: “học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, đủ điều kiện thì được dự thi và thi đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp” và khẳng định, cấp bằng tốt nghiệp phải thông qua kì thi.
Trên mạng xã hội, nhiều người gọi đây là một quyết định dũng cảm của Bộ GDĐT.
"Căng mình" vừa thi vừa chống dịch
Tất cả các thí sinh đều được yêu cầu đeo khẩu trang khi vào phòng thi |
Khi quyết định được đưa ra, nhiều người không chỉ bất an khi các ca lây nhiễm liên tục được công bố mà còn băn khoăn liệu có đảm bảo công bằng cho các thí sinh đợt 2.
Bộ GDĐT phải khẩn cấp hướng dẫn các trường xây dựng phương án phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý cho các thí sinh phải tham gia thi đợt 2. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cũng khẳng định, đề đợt 2 tương đương, không khó hơn hoặc dễ hơn đề đợt 1.
Mặt khác, ngành giáo dục phải thay đổi các phương án ban đầu, "căng mình" triển khai công tác tổ chức thi đảm bảo phòng, chống dịch. Tất cả các phương án để đảm bảo kỳ thi diễn ra suôn sẻ được Bộ GDĐT và các địa phương đặt ra và triển khai một cách khẩn trương.
Bộ GDĐT khuyến khích các địa phương trang bị khẩu trang y tế cho tất cả thí sinh. Nếu không đủ điều kiện làm như vậy thì quy ước thí sinh phải sử dụng khẩu trang y tế trong phòng thi. Từng điểm thi phải dự phòng khẩu trang y tế để phát cho thí sinh.
Cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT 2020 chiều 31.7 |
Các địa phương đã chuẩn bị nước sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, quần áo bảo hộ, xe cấp cứu, lập các phương án giãn cách... Những thí sinh đến trường thi có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ được bố trí thi riêng ở các phòng dự bị.
TP Hồ Chí Minh còn xét nghiệm cho tất cả các thành viên tham gia công việc sao, in đề thi để bảo đảm không có nguồn bệnh khi vào nơi cách ly.
Ngoài ra, chuẩn bị hàng trăm phòng thi dự bị, cán bộ coi thi dự phòng trong trường hợp phát hiện cán bộ hoặc thí sinh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh.
Thậm chí còn phải tính toán cả việc cất giữ, chấm các bài thi của thí sinh như thế nào để đảm bảo an toàn.
2 ngày thi: An toàn, khách quan
Ngày 8.8 - ngày các thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi, Quảng Nam phải khẩn cấp dừng 1 điểm thi với 352 thí sinh do có 2 giáo viên liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, Hà Nội chuyển 1 điểm thi. Còn ở Quảng Trị, trước buổi thi đầu tiên chỉ 10 giờ đồng hồ, tỉnh này phải thay thế hơn 200 người gồm cán bộ coi thi và cán bộ phục vụ kỳ thi do có liên quan đến các ca dương tính trên địa bàn.
Ở Thái Bình, 7 thí sinh từ thôn cách ly được đưa đến trường thi bằng xe chuyên dụng... Phòng thi dự phòng ở một số tỉnh/thành được sử dụng.
Mọi nguy cơ, dù nhỏ nhất đã được xử lý một cách tỉ mỉ, cẩn trọng, song không kém khẩn trương.
Có lẽ, hình ảnh ấn tượng nhất của kỳ thi này là gần 900.000 thí sinh đến trường thi với khẩu trang, xếp hàng giãn cách, sát khuẩn tay, đo nhiệt độ... trước khi vào phòng thi.
Hình ảnh quen thuộc của mùa thi năm nay - Thí sinh đến trường thi với khẩu trang |
Kết thúc 2 ngày thi, Bộ GDĐT đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đáp ứng được mục tiêu kép. Đó là, vừa bảo đảm chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc.
Kỳ thi đã huy động gần 7.000 cán bộ, giảng viên từ 216 trường đại học, học viện, cao đẳng so với gần 50.000 cán bộ vào năm 2019.
Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 39 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh bị khiển trách và 38 thí sinh bị đình chỉ. Trong khi đó, con số này của năm ngoái lên đến 71 thí sinh.
18 cán bộ coi thi bị xem xét xử lý kỷ luật vì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Những cán bộ này chưa đảm bảo đầy đủ giờ làm bài của thí sinh ở 1 phòng thi môn Ngữ văn của tỉnh Bắc Ninh, 1 phòng thi môn địa lý ở Bình Phước, 7 phòng thi môn Địa lý ở tỉnh Điện Biên.
Về mức độ khó - dễ của đề thi năm nay, mặt bằng chung các thí sinh và thầy cô nhận định, đề thi vừa sức, sát với đề thi minh họa và "phù hợp" với mục tiêu của kỳ thi.
Nữ sinh ở TP Hồ Chí Minh nhảy chân sáo ra về sau khi kết thúc bài thi cuối cùng |
Theo Vietnamnet