Khai báo không trung thực, hậu quả khôn lường
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:26, 17/08/2020
Trong những ngày vừa qua, tình hình dịch Covid-19 ở Hải Dương diễn biến rất phức tạp, khó lường. Chỉ trong vòng 4 ngày từ 13-16.8 đã phát hiện thêm 5 ca nhiễm mới đều liên quan tới ổ dịch 36 Ngô Quyền. Hiện còn nhiều ca nghi nhiễm khác. Trong lúc cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đều khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch thì vẫn còn số ít những người là bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp F1, F2 chậm trễ khai báo hoăc khai thiếu trung thực.
Điển hình là trường hợp anh N.V.T. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) tổ chức sinh nhật cho con tại nhà hàng Thế giới bò tươi ở 36 Ngô Quyền vào ngày 31.7. Tham dự buổi sinh nhật này có 23 người nhưng qua xác minh của cơ quan chức năng chỉ có 4 người khai báo y tế, 19 người còn lại không khai báo y tế.
Theo đánh giá của Công an TP Hải Dương, nhiều trường hợp F2 liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi còn có ý thức chủ quan, chưa tự giác khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương, giấu giếm lịch trình đi lại, tiếp xúc. Nhiều trường hợp F2 phải cách ly tại nhà nhưng chưa chấp hành nghiêm theo quy định, còn đi ra ngoài. Công tác giám sát cách ly tại nhà của cơ quan chức năng ở một số cơ sở còn nhiều lỗ hổng, lỏng lẻo. Một số bệnh nhân, một số F1 khi khai thác truy vết lịch trình, tiếp xúc chưa tự giác khai báo, khai báo nhỏ giọt, thiếu thông tin.
Tương tự, tại huyện Thanh Hà, ngay cả một số ca bệnh mới phát sinh và các trường hợp F1, F2 cũng khai báo quanh co, nhỏ giọt, thiếu trung thực, gây khó khăn cho việc truy tìm những người liên quan, khoanh vùng, dập dịch.
Hành vi khai báo không trung thực, khai báo chậm trễ và không đầy đủ rất nguy hiểm vì cơ quan chức năng không thể truy vết được người liên quan, khoanh vùng, dập dịch, dẫn tới khả năng dịch sẽ lây lan diện rộng, không thể kiểm soát.
13 trường hợp không khai báo y tế nêu trên đã bị UBND nhiều phường ở TP Hải Dương phạt hành chính với mức 200.000-500.000 đồng/người. Được biết, nhiều phường áp dụng mức xử phạt nói trên căn cứ theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, hành vi không khai báo y tế, trốn tránh cách ly có thể bị xử lý hình sự. Theo Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30.3.2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Các hành vi này gồm: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Theo điều 240 Bộ luật Hình sự, với trường hợp không khai báo y tế dẫn đến làm lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác, tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Ngoài ra, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo điều 295 Bộ luật Hình sự. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Tại Công văn 45/TANDTC-PC, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng như làm lây lan dịch bệnh cho 2 người trở lên, làm chết người.
Như vậy, hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc gian dối, không tuân thủ quy định cách ly mà gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Những bệnh nhân Covid-19, các trường hợp F1, F2 cần tự giác khai báo y tế, thực hiện tốt quy định cách ly để bảo vệ tính mạng cho chính mình, người thân của mình và cộng đồng và để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan chức năng cần tăng cường vận động, đi đôi với tăng cường xử phạt hành chính người vi phạm, thậm chí xử lý hình sự với những người phạm tội.
TUẤN NGUYÊN