Bình minh cất cánh
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:31, 23/08/2020
“Hôm nay sao rồi? Anh nghe tin gì từ phía công ty ở Việt Nam chưa?”
Nam lặng đi, Hiên hiểu rằng việc phải làm tiếp theo chỉ có thể kiên nhẫn nghe ngóng, chờ đợi và hy vọng. Hơn bao giờ hết, lúc này Hiên thấy hối hận vô cùng vì cái gật đầu đồng tình của mình khi để chồng đi xuất khẩu lao động. Nào phải vợ chồng Hiên chậm chạp, lười biếng chi đâu, cũng hùng hục lao động từ khi mặt trời chưa ló rạng đến tối mờ tối mịt mà vẫn nghèo.
Nếu chỉ làm nuôi bốn cái miệng ăn thì đâu quá khó khăn với sức vóc của Nam. Các khu công nghiệp, nhà máy, nhà hàng… mọc lên như nấm, giờ xin đâu chả được việc. Nhưng cuộc đời chẳng phẳng phiu như mặt sông không gợn sóng. Giông gió nổi lên khi mẹ Nam vào viện nằm đằng đẵng. Bão tố ập đến khi em trai Nam dại dột vay lãi để cá độ bóng đá. Bao nhiêu thứ phải lo, nào tiền học hai con, nào tiền thuốc thang, nào trả nợ… Nhìn vợ con rúm ró, thiếu thốn, Nam thắt ruột gan. Có những đêm mắt Nam chòng chọc như sao, soi rọi vào bầu trời đen ngòm, lòng hoang mang, chống chếnh. Cuộc sống thật khó khăn, bế tắc khi bủa vây quanh gia đình là cái nghèo. Con đường mới mở ra, ánh sáng hy vọng tìm đến khi bạn Nam mách nước đi xuất khẩu lao động. Sang đó, Nam chỉ cần làm chăm chỉ, cật lực ba năm bằng những mười, mười lăm năm lao động ở quê nhà. Nghèo thì đã nghèo rồi, vay thêm khoản nữa để thoát nghèo thì có nên chăng? Phải liều thôi, phải liều để mang lại cuộc sống khác cho gia đình. Hai vợ chồng nhìn nhau day dứt, miếng cơm nhộm nhoạm trong miệng như bó rơm khô. Vợ chồng trẻ xa nhau sao có thể không quyến luyến, lo lắng và trĩu buồn cho được, chẳng qua là hoàn cảnh buộc người ta phải quên đi hạnh phúc, hy sinh cho gia đình. Hiên dặn dò chồng tỷ mẩn từng thứ đồ một mang theo, Hiên cứ sắp đi xếp lại đồ đạc trước lúc chồng bay sang xứ lạ cả tuần. Sang đó, Nam quên hết những lời dặn dò cho nếp ăn giấc ngủ của mình, chỉ nhớ mỗi đôi mắt rưng rưng lưu luyến của người vợ hiền.
Quyết định tha hương cầu thực, xác định trước sẽ phải chịu đựng tất cả khó khăn, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người. Nhưng Nam cũng không ngờ thực tế nó còn khốc liệt hơn mình tưởng nhiều. Nơi Nam đến làm là vùng sa mạc mênh mông cát trắng, nắng khô khốc cắt cứa thịt da, có ngày nắng đến 50 - 60 độ, nắng như hắt lửa vào mặt. Dưới sự quản lý nghiêm ngặt, khắt khe của công ty, ngày Nam phải làm tám đến chín tiếng. Những ngày đầu Nam chưa quen, người gầy rộc, còn bị mấy trận nôn khan vì sặc cát. Mắt mũi nhòe đi vì cát. Thân thể vạm vỡ, sức lực cường tráng nhưng do mới di chuyển đến vùng này, Nam chưa thể thích nghi ngay với thời tiết, khí hậu rồi cường độ làm việc. Chân tay rã rời, thân thể uể oải, Nam định bụng nghỉ ngơi ít phút rồi tiếp tục làm. Thật không may, gã quản lý mắt xếch, râu ria xồm xoàm với ánh nhìn sắc lạnh đã phát hiện ra. Mỗi lần chạm mặt gã khiến Nam rợn người. Gã luôn cầm khẩu súng trong tay. Không hiểu tại sao ở đây họ lại được sử dụng súng. Gã dùng đầu súng thúc mạnh vào mạn sườn Nam. Nam đau điếng giật mình tỉnh giấc, mắt hoa tít, ngơ ngác nhìn xung quanh. Mặt gã phừng phừng như ai đốt lửa, mồm xì xồ xổ ra một đống ngôn từ mà Nam không tài nào hiểu được, chỉ biết chắc chắn gã đang nói điều chẳng hay ho gì. Nam cúi rạp xuống từ lúc định hình ra mình đang bị trận xỉ vả vì mắc lỗi cho đến khi cơn bốc hỏa của gã quản lý nguôi, gã quay lưng bỏ đi. Mấy người cùng làm từ lúc nãy giờ đều vờ câm điếc, cứ hùng hục làm. Gã kia vừa khuất bóng, một anh chàng thấp bé chạy lại, vỗ vai Nam theo kiểu an ủi, rồi nhanh chóng về chỗ làm ngay. Chỉ còn sự lựa chọn duy nhất tiếp tục công việc, giọt mồ hôi hay nước mắt của mình Nam cũng không phân định được nữa, đang thấm mặn chát mép môi đầu lưỡi.
Sau Nam mới biết, gã mắng mình lười nhác, trong giờ làm việc không ai ở đây được ngồi nghỉ, phải làm liên tục không ảnh hưởng đến cả chuỗi quy trình, không đáp ứng tiến độ. Vì nằm nghỉ trong giờ làm việc, nên cả buổi hôm đó Nam không được tính lương. Nam tiếc đứt ruột khoản tiền lương bị cắt, vì ở quê nhà, vợ con cần từng đồng một, vừa để chi tiêu hằng ngày, vừa để trả nợ, nợ tứ phía đang chất lên bờ vai gầy guộc của Hiên. Từ đó, mệt mấy Nam cũng gắng.
Đếm từng ngày tháng trôi qua ở nơi xứ người. Ban ngày Nam không có thời gian và đủ sức lực để ngẫm ngợi, nhưng tối đến, khi tắm rửa xong, cái bụng đã no đủ, ngả tấm lưng trên cái phản tạm bợ, hình ảnh người vợ trẻ và hai đứa con thơ lại khuấy nỗi nhớ nhung. Nam thương vợ bởi vì lấy mình mà phải chịu gánh nặng. Bao năm nay Hiên cần mẫn chăm sóc mẹ Nam. Em trai chồng sa ngã, Hiên không hề cằn nhằn khi chồng đứng ra trả nợ cho em. Nam vừa yêu vừa biết ơn vợ mình. Sóng mạng ở nơi này chập chờn, hôm gọi được hôm không, hình lúc nhìn thấy lúc biến mất. Đứa con nhỏ ba tuổi miệng chúm chím hôn chùn chụt vào màn hình. Mỗi lần nghe giọng con líu lô: “Con yêu bố, con nhớ bố lắm, bố nhanh về với mẹ con con” là trái tim Nam muốn tan chảy.
Càng thương, càng yêu, càng nhớ… Nam lại càng cố gắng gồng mình. Cơ thể con người cũng rất tài tình. Hồi đầu đến, Nam nghĩ chắc mình đuối rồi lả đi mà chết. Nhưng rồi ngày này nối ngày khác, tháng nọ nối tháng kia, Nam đã trải qua hết nghiệt ngã của vùng trời và con người nơi này bày đặt ra. Nam tự thấy đã thích nghi với công việc nặng nhọc, chế độ hà khắc. Nam trở thành con lạc đà khỏe giữa sa mạc nắng thiêu. Và Nam chấp nhận, tiếp tục cho họ vắt sức mình đến đủ thời hạn lao động mới về. Chỉ có đôi lần ý nghĩ yếu đuối thoáng qua. Như một buổi sáng, khi Nam tỉnh mắt dậy, thấy cát phủ toàn thân, từ chân tới đầu, Nam quáng quàng cào cát ngoi dậy. Hóa ra đêm qua bão cát, lều lán liêu xiêu tan tành, Nam ngủ say mê mệt chả biết. Ông bạn cùng lều chả khác gì. Nam rùng mình, nhỡ may mình bị cát vùi chết mất xác chắc cũng chả ai biết. Rồi Nam lại vội gạt những yếu đuối trong lòng, vực đôi chân đứng dậy…
Lần này thì khác, Nam sốt cả mấy ngày nay. Đầu óc bung biêng, đau muốn nứt ra. Sốt cao nên môi khô rộp, miệng khát bỏng. Không phải do cái nóng 50-60 độ C thiêu Nam, mà do căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm đang hoành hành toàn cầu. Mới hôm nào nghe như bệnh Covid-19 ở đâu xa lắm, giờ nó đã lan tràn ở đây. Mấy người bạn Việt Nam cảnh báo nhau phải cẩn trọng. Và Nam đã rất cẩn thận. Nhưng lấy đâu ra khẩu trang, nước rửa tay, quần áo phòng hộ đủ đầy. Mọi người và Nam đều không biết nó chui vào cơ thể mình từ bao giờ, như thế nào, chỉ biết cảm giác nó đục khoét trong người là có thật. Nam khó ở khi cơn ho dội lên. Nam đau lắm, mệt lắm mà Nam nhất định không được lịm đi, Nam sợ mình chết ở nơi xứ người. Hiên sẽ không chịu đựng nổi. Con Nam sẽ côi cút không cha. Còn mẹ già yếu đau, cần nương tựa vào Nam. Nam sao có thể chết như thế. Nam uống từng ngụm nước, nhét từng miếng bánh vào miệng, đau Nam cũng ăn. Mỗi ngày Nam đọc tin, đều thấy con số lây nhiễm tăng vọt và ca tử vong chẳng dừng lại. Nam bấm bụng tự trấn an mình, toàn người già, người mắc bệnh nền mới chết, Nam khỏe như vâm sao chết được. Công ty phát cho Nam vài viên thuốc và bỏ mặc nằm đó, làm gì có bác sĩ chăm sóc, điều trị.
Gã quản lý mắt xếch giờ không xuất hiện để lườm lườm Nam nữa. Nam được đưa vào khu cách ly ở cùng với những người bị nhiễm bệnh. Người ta đưa thức ăn, nước uống cho những người bị nhiễm bệnh ở khu vực ngoài cửa xa. Ai đứng dậy được thì tự lấy, ai không nhấc mình nổi thì nhờ người lấy hộ. Gần như chả ai nói chuyện với ai, cứ lầm lũi ăn, ngủ, nghỉ. Một phần cũng vì sức khỏe suy kiệt, một phần vì chờ đợi mỏi mòn. Mọi người đang nín thở chờ đợi từng giây phút chuyến bay đón mình về nhà. Có người buột miệng bảo hy vọng gì, họ còn lâu mới đón người lây nhiễm, lại từ vùng đất quá xa xôi này. Cậu trai trẻ đang nói chuyện với bố mẹ đã khóc rống khi nghe thấy thế.
Nếu không kìm mình lại, chắc Nam cũng đã nấc lên. Chưa bao giờ cơ thể Nam đuối như bây giờ. Nhưng thấy mắt vợ ướt nhòe màn hình, Nam đã vội vàng quay đi, lau nước mắt mình. Nam sợ một, có lẽ ở nhà Hiên sợ gấp mười. Đôi môi bợt bạt của Nam gượng mỉm cười, bảo Hiên yên tâm, họ đang sắp xếp, chắc chỉ ngày mai, ngày kia thôi. Báo chí đã viết, đất nước mình sẽ không bỏ rơi ai mà. Đứa con nhỏ giằng điện thoại từ tay mẹ, gí mặt vào màn hình, đôi mắt xoe tròn chớp chớp, nó bảo thương bố lắm, bố phải khỏe để sớm về với nó chứ. Nam gật gật.
Không phân định được giờ là tối hay sáng, Nam hớp ngụm nước. Gió ngoài trời u u. Tất cả tù mù đen tối. Chỉ duy niềm hy vọng phập phồng, chưa lúc nào tắt trong ngực. Nếu không còn hy vọng, chắc Nam không thở nổi nữa. Ước gì có bàn tay Hiên xoa bóp cho mình, đau đớn sẽ giảm bớt. Nam hớp từng ngụm hy vọng để mình sống sót đến giây phút được chạm chân trên mảnh đất quê hương. Mấy lần thiếp đi, Nam đều mơ đang sống ở nhà mình, Nam đang đào đất để trồng cái cây xanh mát trên mảnh vườn quen thuộc, lũ chim ríu rít xung quanh, hai đứa trẻ quấn quýt bên bà nội, Hiên từ trong nhà mang cốc nước ra cho Nam như mọi lần, ánh mắt Hiên nhìn Nam đầy trìu mến, yêu thương. Ánh sáng nơi ngôi nhà thân thuộc bao giờ cũng dịu dàng, bình an hơn mọi chốn mà Nam đã đi qua. Có tiếng người gọi Nam, ai đó giật áo Nam. Nam mở mắt. Hóa ra Nam vẫn nằm trong căn phòng tối tù mù, chưa được về nhà. Nhưng người giật áo Nam đã nói vào tai Nam, chuẩn bị lên xe để họ chở ra sân bay, nước nhà đã bố trí xong chuyến bay đón người mình hồi hương vào sáng sớm ngày mai. Gắng lên. Tim Nam đập thình thịch. Nam cấu vào đùi mình. Đây không phải giấc mơ, đây là thật, vì Nam đã mở mắt rồi. Hai hàng nước mắt ứa ra, chỉ qua đêm nay nữa thôi Nam sẽ được lên chuyến bay trở về Việt Nam. Nam lập tức gọi điện báo cho Hiên để cả nhà mừng vui.
Nơi mọi người chờ đợi là một sân bay hoang vắng, tuềnh toàng. Hình như ở đây chỉ có vài nhân viên và nhóm người chờ hồi hương lùng bùng trong bộ quần áo bảo hộ. Nhưng chả ai quan tâm đến điều đó, từng tích tắc lúc này dài hơn nhiều tháng năm. Những người bị nhiễm bệnh ở một góc, những người khỏe mạnh ở một góc khác. Không phải ai nhiễm bệnh cũng yếu như Nam. Nam vẫn được sự hỗ trợ từ người khỏe hơn. Nam chắp hai tay trước ngực, xua đi mọi ý nghĩ rủi ro len lỏi. Trong khoảng tĩnh mịch, mọi người òa lên. Chiếc máy bay chở ánh sáng đã đến.
Mọi thủ tục ban đầu xong xuôi, mọi người răm rắp nghe theo đoàn hướng dẫn. Nam bám chặt vào vai bạn, cố giữ khoảng cách với những thiên thần mang ánh sáng đến đây, họ đã kết nối những người đang bơ vơ, mắc cạn nơi này với bầu trời quê hương. Họ đã khiến Nam và cả đoàn xúc động vô cùng. Nam thắt nút dây an toàn, ngả người và nhắm mắt. Nam cảm nhận thấy sự chuyển động, rồi vụt lên. Bình minh thực sự cất cánh, giấc mơ trở về đã thành hiện thực. Thế là sống rồi, chắc chắn sẽ sống. Hơn mười tiếng nữa, Nam sẽ được hít thở căng ngực nguồn không khí trong lành của quê hương, Nam sẽ được đồng bào mình chăm sóc, điều trị. Và sẽ sớm thôi, Nam sẽ được nắm bàn tay nhăn nheo của mẹ, được ôm chặt các con vào lòng, được vùi vào tóc Hiên nức nở… Ôi, ý nghĩ hạnh phúc trong Nam ngập tràn!
Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ