Chuẩn bị cho năm học mới đặc biệt

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:02, 26/08/2020

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đang bám sát diễn biến của dịch bệnh, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời có những hướng dẫn phù hợp cho các nhà trường bước vào năm học mới. 

Giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Sơn (TP Hải Dương) vệ sinh lớp học bằng nước sát khuẩn

Năm học 2020-2021 chuẩn bị bắt đầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ngành giáo dục và đào tạo sẽ triển khai những giải pháp gì để thích ứng, vừa bảo đảm an toàn, vừa triển khai tổ chức được các hoạt động giáo dục cho năm học mới đặc biệt này?

Có thể tổ chức khai giảng trực tuyến 

Theo kế hoạch năm học 2020-2021 đã được UBND tỉnh ban hành, ngày 3.9, học sinh toàn tỉnh tựu trường; ngày 5.9, các cơ sở giáo dục đồng loạt khai giảng năm học mới. 

Nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã triệu tập cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Sáng 25.8, Trường Tiểu học Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã huy động hàng chục giáo viên tham gia vệ sinh, sát khuẩn trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng. Trường đã lên phương án cho học sinh tập trung trực tuyến ngày 3.9. Thay vì đến trường, các em ở nhà theo dõi giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn nội quy năm học mới giống như hình thức học trực tuyến. "Chúng tôi cũng đã lên 2 phương án cho lễ khai giảng, một là tập trung toàn trường nhưng bảo đảm giãn cách, hai là tập trung khai giảng theo lớp", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn Phạm Văn Sơn cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, câu hỏi đặt ra là việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới tại các địa phương có tình hình dịch diễn biến phức tạp sẽ được tổ chức thế nào để bảo đảm an toàn. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ khai giảng trên tinh thần gọn nhẹ. Nơi nào kiểm soát được dịch thì có thể tổ chức tập trung nhưng phải bảo đảm giãn cách theo quy định. Nơi nào không đủ điều kiện thì tổ chức khai giảng trực tuyến, truyền đạt thông điệp, giữ được ý nghĩa, không khí ngày khai giảng đến học sinh.  Tùy tình hình, các trường có thể tổ chức khai giảng trong phạm vi từng lớp học, ưu tiên học sinh mới ở mỗi cấp để có hoạt động chào đón các em. Hoặc thay vì tập trung đông học sinh trên sân trường thì để các em dự ở trước các lớp học. Các trường cần có kế hoạch cụ thể bảo đảm phân luồng, giãn cách học sinh trước và sau giờ tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Bộ lưu ý những nơi có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, đang thực hiện giãn cách có thể tổ chức khai giảng trực tuyến. Thay vì đến trường dự lễ khai giảng, học sinh ở nhà theo dõi qua màn hình máy tính, điện thoại thông minh. Các trường vẫn có thể thực hiện các nội dung cần thiết như đọc thư của Chủ tịch nước, phát biểu ngắn gọn của hiệu trưởng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Tiến, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở sẽ tham mưu, xin ý kiến UBND tỉnh về phương án tổ chức lễ khai giảng sao cho phù hợp với tình hình từng địa phương. Việc này sẽ sớm được công bố để các địa phương chuẩn bị.

VNPT Hải Dương đã và đang tiếp tục nâng cấp đường truyền, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, trong đó có việc dạy học trực tuyến

Sẵn sàng học trực tuyến

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh các địa phương tùy vào điều kiện để cho học sinh bắt đầu năm học mới theo phương án học trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Qua tìm hiểu, nhiều trường trong tỉnh đã chủ động các phương án cho việc này. Thuận lợi là năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã có kinh nghiệm trong triển khai dạy học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến tại các địa phương cao. Những học sinh không có điều kiện học trực tuyến đều được các trường hỗ trợ hoặc gửi tài liệu bài giảng, câu hỏi bài tập về nhà. "Ngoài trang bị phương tiện, máy móc, nâng cấp đường truyền, giáo viên, cha mẹ học sinh ở các trường cần tiếp tục có sự phối hợp nhịp nhàng trong quản lý, dạy dỗ học sinh nếu phải áp dụng hình thức dạy học trực tuyến", bà Tiến khuyến cáo.

Việc tổ chức dạy học trực tuyến có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm và chất lượng đường truyền của các nhà mạng. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Phòng Khách hàng tổ chức doanh nghiệp VNPT Hải Dương cho biết trong đợt dạy học trực tuyến trước, đơn vị đã nâng cấp gấp đôi tốc độ đường truyền, hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến cho khoảng 200 trường học trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, khi đó cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng triển khai dạy học trực tuyến nên tình trạng mất tín hiệu, gián đoạn đường truyền cũng là điều dễ hiểu. Đợt này có thể những địa phương tình hình dịch chưa diễn biến phức tạp sẽ vẫn cho học sinh đến trường học tập bình thường nên tốc độ đường truyền có thể sẽ tốt hơn. "Chúng tôi đã và đang tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đường truyền để phục vụ tốt nhất mọi hoạt động của xã hội có liên quan, trong đó có việc dạy và học trực tuyến. VNPT sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các cơ sở giáo dục để làm sao việc dạy học trực tuyến diễn ra thuận lợi nhất", ông Đức khẳng định.

Nếu hình thức dạy học trực tuyến tiếp tục được áp dụng trong năm học mới thì đáng lo ngại nhất là học sinh lớp 1. Các cháu còn nhỏ, chưa biết sử dụng công nghệ thông tin, lại phải học chương trình sách giáo khoa mới. Đây là vấn đề lớn cần được ngành giáo dục tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp giảng dạy phù hợp.

TIẾN MẠNH