Vì sao giới trẻ Việt nở rộ trào lưu làm streamer ''hái ra tiền''?
Kinh tế - Ngày đăng : 17:30, 30/08/2020
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mọi người ở nhà nhiều hơn. Nhờ đó, các nền tảng livestream lớn trên thế giới như YouTube, Facebook hay Twitch đều báo cáo số lượng người dùng và số giờ xem tăng vọt.
Không có số liệu cụ thể ở thị trường Việt Nam, nhưng với kỷ lục về lượng người xem streamer Việt liên tục bị phá trên hai nền tảng phổ biến là YouTube và Facebook Gaming, nhiều bạn trẻ đã xem đây là một cơ hội đổi đời nếu biết nắm bắt thời cơ đúng lúc.
Môi trường đầy cám dỗ
Livestreams là con đường đầy cám dỗ với những người trẻ mong ước đổi đời. Thật vậy, nếu chỉ thỉnh thoảng đọc tin tức, người ta cũng dễ dàng nghe đến những vụ donate của fan cho các streamer số tiền lên tới cả chục triệu đồng ở Việt Nam, hoặc cả chục nghìn USD ở trên thế giới.
Donate là hình thức tặng quà ảo hoặc tặng tiền cho thần tượng ở các buổi livestream với số lượng không hạn chế. ViruSs, Baroibeo hay Độ Mixi là những streamer nằm trong nhóm được donate khủng nhất Việt Nam hiện nay, với mỗi buổi phát trực tiếp có thể nhận ít nhất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
ViruSs được nhận 100.000 Sao (khoảng 23 triệu đồng) chỉ trong một lần donate |
Phương thức kiếm tiền của các streamer này là vừa chơi game, vừa bình luận hoặc trò chuyện với các fan để thu hút người xem. Đây được xem là hình thức lao động chân chính và lành mạnh.
Ngoài cách thức trên, còn nhiều hình thức livestream ‘bẩn’ biến tướng khác nằm ngoài phạm vi bài viết này, thu hút được lượng người donate không hề nhỏ nhờ những hành động phản cảm, khoe thân khiêu gợi.
Có thể nói, số tiền donate khổng lồ mà các streamer nhận được chính là thứ kích thích các bạn trẻ tham gia và theo đuổi con đường này bất chấp mọi hậu quả của việc livestream ''bẩn''.
Thời của livestream ở Việt Nam
Trước Facebook Gaming, không một nền tảng nào đủ sức đe dọa vị thế thống trị của YouTube ở Việt Nam. Thậm chí, đã có những nền tảng phải ngậm ngùi rời cuộc chơi trong cay đắng dù trước đó rót rất nhiều tiền đầu tư như Cube TV của Bigo Live hay Azubu của một startup ở Bắc Mỹ.
Xa hơn nữa, cuộc chơi livestream ở Việt Nam từng được khơi mào bởi TalkTV của VNG, nhưng sau đó đành bất lực đóng cửa vì không thể kiểm soát được tình trạng phát phim người lớn và chiếu trực tiếp bóng đá vi phạm bản quyền trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, điều đó không làm cho làn sóng đầu tư vào cuộc chơi livestream ở Việt Nam bị dừng lại cho đến ngày nay. Gần đây, Facebook Gaming đã chi rất mạnh tay để chèo kéo những cái tên nổi bật như PewPew hay ca sĩ Khởi My làm việc trên nền tảng này ít nhất 3 giờ mỗi ngày.
Trước đó, Facebook Gaming được cho là đã bỏ ra không dưới 25.000 USD/tháng (khoảng 580 triệu đồng) để giữ chân thần đồng Chim Sẻ Đi Nắng cùng cộng đồng fan trung thành với Đế chế.
Cuộc chiến nền tảng livestream ở Việt Nam đã kéo theo sự nở rộ của nghề streamer |
Một nền tảng khác là Nonolive cũng bỏ ra tới 20.000 USD/tháng (khoảng 460 triệu đồng) để ký hợp đồng độc quyền với Linh Ngọc Đàm hồi năm 2018. Những streamer đình đám vẫn đang hợp tác với nền tảng này có thể kể đến Baroibeo, DũngCT hay AS Mobile.
Ít nổi bật hơn cả là Nimo TV, dù nền tảng này đã thành công trong việc chèo kéo streamer số 1 Việt Nam hiện nay là Độ Mixi. Gần đây, Độ Mixi đã xác lập kỷ lục 242.000 người xem cùng lúc trên YouTube, gần gấp đôi kỷ lục của những đàn em như Nam Blue hay Chim Sẻ Đi Nắng trên Facebook.
Nonolive thuộc sở hữu của Douyu còn Nimo TV là thương hiệu nước ngoài của Huya, hai nền tảng livestream lớn nhất nhì Trung Quốc. Cổ đông lớn nhất ở cả Douyu và Huya chính là Tencent như ICTNews đã đưa tin cách đây không lâu.
Có thể thấy, túi tiền không đáy của những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Tencent hay Google đang giúp cho mảnh đất livestream ở Việt Nam màu mỡ hơn bao giờ hết. Cơ hội vì thế chia đều cho tất cả những bạn trẻ từ vô danh đến đã có sẵn tên tuổi được tự do nhảy sang các nền tảng khác nhau, miễn là có được một bản hợp đồng béo bở.
Một ngành công nghiệp hóa
Thời kỳ đầu, chỉ với những thiết bị cơ bản như webcam, tai nghe kèm mic cùng một bộ máy tính cấu hình vừa phải cũng là đủ để ai cũng có thể làm streamer nếu có đủ đam mê và kiên trì.
Sau đó, một thế hệ các tuyển thủ eSports lớn tuổi giải nghệ cũng gia nhập con đường này. Thị trường livestream bỗng chốc trở nên sôi động bởi họ là những người đã có tên tuổi, có kỹ năng và lượng fan hùng hậu.
Khi livestream phát triển mạnh mẽ, ngay cả các tuyển thủ lẫn BLV còn đang làm công việc chuyên môn cũng nhấn nhá vào con đường này. Những thâm cung bí sử, những câu chuyện hậu trường được tiết lộ phần nào tạo ra một thế giới streamer đầy rẫy drama cuốn hút người xem.
Xa hơn, khi những khoản tiền đầu tư được rót vào liên tục, livestream ở Việt Nam đã phát triển thành một ngành công nghiệp hóa đến mức độ khó tin. Ở đó, đằng sau mỗi streamer thành công có hẳn cả một ekip từ trang điểm, lên kịch bản, biên tập video đến quản lý hình ảnh, xây dựng thương hiệu và rất nhiều người khác.
Các streamer hàng đầu được quản lý bởi những công ty chuyên nghiệp không khác gì giới showbiz |
Các công ty đào tạo streamer cũng mau chóng mọc lên không khác gì những lò đào tạo ca sĩ, diễn viên trong giới showbiz. Ở đó, các streamer cũng được tuyển chọn gắt gao với những tiêu chí như ngoại hình, biết cách trò chuyện, có khả năng chơi game đổi lại sẽ được các công ty này ‘đẩy’ lên thành sao chỉ trong thoáng chốc.
Thậm chí, các streamer còn được công ty chủ quản mở đường tấn công showbiz Việt và tạo ra những câu chuyện không kém phần kịch tính, tiêu biểu có thể kể đến cặp đôi rùm beng một thời PewPew và Trâm Anh, hay mới đây là NoWay và Cara, ViruSs và Ngân Sát Thủ.
Một khi dòng tiền vẫn còn đổ vào các nền tảng livestream, các công ty ươm mầm streamer vẫn tiếp tục phát triển mạnh, số lượng streamer sẽ vẫn tiếp tục nở rộ. Thậm chí ngay cả khi không còn nhà đầu tư nào, các streamer vẫn có thể sống khỏe nếu người Việt vẫn duy trì tỷ lệ xem YouTube đứng đầu như năm 2019.
Theo Vietnamnet