Người từng ăn Pate Minh Chay cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:18, 03/09/2020
Hơn 20 người có dấu hiệu bất thường sau khi ăn Pate Minh Chay đã đến các cơ sở y tế ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để thăm khám. Trong đó, 11 người phải điều trị nội trú. Một số trường hợp tiên lượng nặng, yếu liệt chi, phụ thuộc vào máy thở.
Tại TP Hồ Chí Minh, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã tìm thấy 1.290 khách hàng mua Pate Minh Chay trong tháng 7 và 8. Những người từng sử dụng sản phẩm này cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Triệu chứng của người bị ngộ độc Pate Minh Chay?
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân thường xuất hiện dấu hiệu bất thường sau khi ăn lần cuối từ 12 đến 36 giờ, tối đa 8 ngày. Như vậy, tất cả trường hợp đã ăn quá 8 ngày, sức khỏe ổn định có thể yên tâm.
Nếu bữa ăn cuối cùng trong vòng 8 ngày và cơ thể chưa có biểu hiện bất thường, người dân cần bình tĩnh theo dõi sức khỏe. Khi có triệu chứng ngộ độc, bạn cần tới cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị.
Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh. Sau khi được hấp thu vào cơ thể, chúng gắn chặt với các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ cơ.
Lọ Pate Minh Chay bệnh nhân đã sử dụng được lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Ảnh: BVCC |
Khi bị ngộ độc, bệnh nhân có biểu hiện liệt bắt đầu từ vùng đầu gây khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không thể mở, lan xuống hai tay, hai chân. Đặc điểm của chúng là liệt mềm, đối xứng hai bên, bệnh nhân không rối loạn cảm giác và vẫn tỉnh táo.
Về tiêu hóa, người nhiễm độc có thể buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Tình trạng liệt nặng gây suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
"Trường hợp liệt hoàn toàn, bệnh nhân giãn đồng tử, giống như hôn mê sâu, mất não dù vẫn tỉnh và nhận biết xung quanh. Nạn nhân bị ngộ độc ở tình trạng nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ, không thực hiện được động tác gắng sức", bác sĩ Nguyên cho biết.
Loại thực phẩm nào có nguy cơ nhiễm độc botulinum?
Sau khi ăn các thực phẩm nghi ngờ như Pate Minh Chay hoặc đồ đóng hộp, chai, lọ, túi không có nguồn gốc rõ ràng, nếu xuất hiện triệu chứng trên, người dân cần nghĩ đến ngộ độc do botulinum.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyên cho rằng tất cả thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... khi được sản xuất dễ lẫn bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum cũng có nguy cơ gây ngộ độc.
"Thực phẩm đóng gói không bảo đảm đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển theo quy định, đặc biệt sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đều có khả năng nhiễm độc tố. Ví dụ, Thái Lan đã xảy ra ngộ độc này do một loại măng chua đóng hộp, Trung Quốc là từ đậu lên men...", ông Nguyên cho biết.
Bệnh nhân bị ngộ độc Pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC |
Vì sao việc chẩn đoán, phát hiện bệnh nhân khó khăn?
Theo các chuyên gia, đây là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ… nên rất dễ nhầm lẫn.
Bệnh nhân có thể bị bỏ sót do tình trạng liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến. Khi được phát hiện, nạn nhân đã tử vong hoặc liệt nặng. Ngoài ra, một số người không thể giao tiếp để kể lại loại thức ăn nghi ngờ và biểu hiện bệnh đặc trưng.
Để bảo đảm thực phẩm không nhiễm độc tố botulinum, người dân nên thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi, màu sắc, vị thay đổi khác thường.
Bên cạnh đó, người dân không nên tự đóng gói kín thực phẩm và lưu trữ trong thời gian dài không trong điều kiện đông đá.
Với các thực phẩm lên men được đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (dưa, măng chua, cà muối), bạn cần bảo đảm phải có vị chua, mặn. Khi thực phẩm không còn đúng mùi vị, bạn không nên ăn.
Theo Zing