Bảo vệ trị an những ngày chính quyền mới thành lập
Tin tức - Ngày đăng : 07:01, 04/09/2020
Phát huy truyền thống cách mạng, lực lượng Công an nhân dân Hải Dương ngày càng vững mạnh
Ra đời cùng Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hải Dương, lực lượng Công an tỉnh đã từng bước xây dựng và trưởng thành. Lúc chính quyền mới thành lập, tuy còn non trẻ, Công an tỉnh đã khẳng định vai trò là một lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng và nhân dân.
Xây dựng lực lượng
Mặc dù đến năm 1946, ngành công an tỉnh mới chính thức thành lập nhưng thực chất đã có nhiều lực lượng, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hình thành từ trước đó khá sớm.
Sau khi thành lập và trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng bộ tỉnh Hải Dương luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng tự vệ để chống địch khủng bố và bảo vệ phong trào cách mạng. Tháng 10.1940, tại thôn Đồn Bối (Nam Sách), Tỉnh ủy Hải Dương họp và quyết định "Phát triển tự vệ rộng rãi và thành lập căn cứ quân sự của tỉnh".
Bước phát triển mới của lực lượng tự vệ là vào tháng 5.1945, Đội tự vệ danh dự ở các huyện được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động. Trước việc tay sai của Nhật lợi dụng tình hình đói kém, hàng hóa khan hiếm đã giả danh Việt Minh kéo cờ đỏ sao vàng đi cướp phá, hãm hiếp phụ nữ, làm mất trật tự thôn xóm, tháng 6.1945, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đội Việt Minh danh dự các cấp để trừng trị bọn này. Đây chính là lực lượng tiền thân của Công an nhân dân tỉnh.
Ngày 18.8.1945, thị xã Hải Dương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Đội Việt Minh danh dự tiếp quản, quản lý Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát của địch, thu giữ nhiều vũ khí phục vụ cho nhiệm vụ bảo đảm trị an. Đặc biệt là trừ khử bọn tay sai, mật thám, bọn AB (nhóm chống Đảng), bọn tổng lý, kỳ hào ngoan cố chống lại chính quyền, nhân dân.
Để phát huy hơn nữa vai trò của chuyên chính vô sản, ngày 21.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất lực lượng liêm phóng và cảnh sát thành Việt Nam Công an vụ. Ngày 18.4.1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121/NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ và quy định thành lập lực lượng công an ở các địa phương. Thi hành Sắc lệnh số 23, Nghị định 121, ngày 24.4.1946, Tỉnh ủy và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh quyết định thành lập Ty Công an Hải Dương trên cơ sở nhân viên của lực lượng cảnh sát và liêm phóng được rà soát lại, bổ sung. Tỉnh ủy cử đồng chí Phạm Văn
Nghi làm Trưởng Ty Công an Hải Dương. Lực lượng Công an tỉnh được tổ chức chặt chẽ từ tỉnh xuống cơ sở.
Trước nhiệm vụ mới của cách mạng, tháng 7.1946, Ty Công an Hải Dương thành lập Đội danh dự trừ gian nhằm tập trung tấn công các đảng phái phản động. Đầu tháng 11.1946, để bảo vệ các cơ quan của tỉnh, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Tỉnh ủy cho thành lập "Đội công an xung phong".
Điểm tựa vững chắc
Từ khi sơ khai là Đội tự vệ, Đội Việt Minh danh dự và cuối cùng là Ty Công an Hải Dương, lực lượng Công an tỉnh đã lập nhiều chiến công oanh liệt, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc và thủ đoạn xảo quyệt của bọn gián điệp, phản động tay sai, bảo vệ Đảng, chính quyền, hậu phương, tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Những chiến công, hoạt động của Công an tỉnh giành được, mỗi khi nhắc lại, cán bộ, chiến sĩ các thế hệ của ngành không khỏi tự hào, khâm phục.
Một trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm, khôn khéo của lực lượng công an là từ tháng 9.1945 đến tháng 3.1946. Chính quyền cách mạng mới ra đời đã phải đối phó với quân Tưởng Giới Thạch mang danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng Công an tỉnh lúc này là gấp rút xây dựng lực lượng về mọi mặt để bảo vệ chính quyền, bài trừ nội phản, phục vụ chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Lực lượng liêm phóng phân loại, theo dõi, tổ chức phối hợp với lực lượng khác bắt bọn Việt Quốc, Việt Cách, Tờ-rốt-kít như Chánh đạo ở Sãi (Bình Giang), trừng trị những tên đầu sỏ Quốc Dân Đảng ở các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Kim Thành. Cùng với đó, phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, giữ an toàn cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 6.1.1946 và cuộc bầu cử HĐND tỉnh, xã ngày 26.4.1946. Lực lượng công an đã trừng trị những tên lợi dụng uy tín chính quyền tuyên truyền, chống đối cách mạng như Từ Vụ (Gia Lộc), Chánh Tri (Tứ Kỳ), bắt bọn "Việt dân tuyến" ở thôn Bằng Trai (Bình Giang).
Sau Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6.3.1946, ở Hải Dương cũng như cả nước rơi vào tình thế "nghìn cân treo sợi tóc" khi quân Tưởng Giới Thạch chưa rút, hàng trăm quân Pháp kéo vào thị xã Hải Dương. Bọn phản động ra sức hoạt động chống phá Đảng, chính quyền, ám sát cán bộ và cướp của, tống tiền, bắt cóc, gây nhiều tội ác cho nhân dân. Đội danh dự trừ gian đã không quản ngại gian khổ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm trừng trị, xử lý những tên chỉ huy, cầm đầu, đập tan ý đồ đen tối của bọn Tưởng Giới Thạch, thực dân Pháp cùng bọn phản động trong nước. Điển hình như đội đã diệt tên quan ba, tên quan một và tên đội ở Ủy ban liên kiểm; bắt giữ 2 vợ chồng tên Limen khi y đóng giả là người mua lợn để điều tra nơi giam giữ tù nhân Pháp...
Cũng thời gian này, lực lượng Công an tỉnh đập tan âm mưu thâm độc của bọn tay chân thực dân Pháp muốn nhân sự kiện diễu binh kỷ niệm Cách mạng Pháp vào ngày 14.7.1946 để tổ chức khủng bố, đảo chính lật đổ chính quyền. Đội danh dự trừ gian phối hợp với các lực lượng bí mật bao vây trụ sở Quốc Dân Đảng bắt sống 10 tên, trong đó có tên Nhượng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quốc Dân Đảng, thu 6 súng ngắn, 10 quả lựu đạn và toàn bộ tài liệu, truyền đơn của chúng. Đội còn tấn công bọn Quốc Dân Đảng ở Đồn Lưu (Kinh Môn), Lai Vu (Kim Thành) và một số nơi khác, bắt 12 tên và thu nhiều vũ khí, phương tiện khác. Tổ chức Quốc Dân Đảng ở Hải Dương hoàn toàn tan rã...
DANH TRUNG - VĂN TÚ