Nông nghiệp - Điểm tựa trong đại dịch
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:34, 04/09/2020
Dù thời tiết không thuận nhưng tổng sản lượng vải năm nay vẫn đạt khoảng 43.000 tấn, mang lại khoảng 1.166 tỷ đồng, cao hơn niên vụ trước khoảng 445 tỷ đồng
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kéo giảm tốc độ tăng trưởng của rất nhiều ngành kinh tế. Trong bức tranh u ám đó, nông nghiệp nổi lên như một điểm sáng, trở thành điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế trong đại dịch.
Kinh tế biến động
Dịch Covid-19 khiến kinh tế Hải Dương chịu nhiều tác động tiêu cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,86%, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch cả năm (tăng 8,5%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng rất chậm, thậm chí có những ngành tăng trưởng âm.
Dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN), trong đó những doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm chịu tác động lớn nhất. Mặc dù một số DN đã dự trữ được nguồn nguyên liệu, thậm chí chuyển hướng sản xuất nhưng tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN, cơ sở sản xuất thiếu nguyên liệu, thiếu chuyên gia, không có đơn hàng dẫn đến ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. So với cùng kỳ năm trước, giá trị SXCN của tỉnh trong quý I chỉ tăng 2,1%, sang quý II càng khó khăn hơn do sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên thị trường cả trong và ngoài nước. Sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các đơn hàng mới, làm giá trị SXCN trong tỉnh giảm sâu. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị SXCN của tỉnh chỉ tăng 0,4%. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh không duy trì được tốc độ tăng trưởng như các năm trước, nhiều ngành giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cùng với công nghiệp, dịch vụ cũng chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Một số hoạt động thương mại, dịch vụ không thiết yếu đã phải dừng hoạt động. Các ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vận tải, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm giảm tới 5,4%. Kim ngạch xuất nhập khẩu một số mặt hàng đạt thấp, tăng trưởng rất chậm do thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu đến từ các quốc gia đang phải đối mặt dịch Covid-19. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị hàng xuất khẩu giảm 3,6% trong khi giá trị hàng nhập khẩu cũng giảm tới 12,6% so với cùng kỳ năm 2019. Kinh tế tăng trưởng chậm khiến thu ngân sách đạt thấp và giảm khá sâu. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng gặp khó khăn khi số dự án mới và tổng vốn đăng ký đầu tư không cao...
Điểm sáng nông nghiệp
Trái ngược với sự sụt giảm chung, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tới 7,5%. Đây là mức tăng cao nhất của ngành nông nghiệp trong nhiều năm trở lại đây. Nông nghiệp tăng trưởng cao góp phần ổn định đời sống người dân khu vực nông thôn, trở thành dây neo giúp "con tàu" kinh tế không trượt quá xa do suy giảm.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng khá cao của ngành nông nghiệp thực sự đáng ghi nhận vì không chỉ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn chịu tác động của những yếu tố đặc thù như dịch bệnh trong chăn nuôi, thiên tai, thời tiết bất thuận. Tuy nhiên, như nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp thì thực tiễn càng khó khăn ngành càng phải cố gắng, nỗ lực để bảo đảm lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong mùa dịch.
Mặc dù diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ đông xuân 2019-2020 giảm nhẹ nhưng do cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích rau màu nên giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Năng suất lúa vụ xuân đạt xấp xỉ 64 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha. Năng suất một số loại rau chủ lực như hành củ, cà rốt, cải bắp, su hào... đều tăng cao.
Cùng với lúa, cây vải từ lâu đã là cây trồng chủ lực của tỉnh. Dù thời tiết không thuận nhưng tổng sản lượng vải năm nay vẫn đạt khoảng 43.000 tấn. Giá trị từ cây vải đem lại khoảng 1.166 tỷ đồng, cao hơn niên vụ trước khoảng 445 tỷ đồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại nên việc tiêu thụ quả vải thuận lợi, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá, góp phần đưa giá bán lên cao hơn nhiều so với những năm trước.
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi những tháng đầu năm đã bước đầu vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổng đàn lợn tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gà thịt tăng mạnh do nhiều hộ nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi gà. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, không có dịch bệnh nên nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi. Sản lượng thủy sản 6 tháng cũng tăng khoảng 6% với nhiều mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP theo hướng bền vững.
Những con số “biết nói” trên thể hiện sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, trở thành điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Bảo đảm an ninh lương thực cho gần 1,9 triệu người dân trong tỉnh đã giúp chính quyền các cấp có điều kiện tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống dịch, khôi phục sản xuất.
VỊ THỦY