Chí Linh đánh thức vùng đất khát

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:03, 09/09/2020

Với những hướng đi mới, sản xuất nông nghiệp ở vùng đất khát phía bắc quốc lộ 18 của TP Chí Linh đã có nhiều đổi khác.


Tưới nước cho cây trồng ở vùng chuyên canh hoa huệ của phường Hoàng Tiến

Khu vực phía bắc quốc lộ 18 của TP Chí Linh từ lâu được ví là vùng đất khát do nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Sản xuất nông nghiệp chậm phát triển. Mặc dù vậy, với những hướng đi mới, sản xuất nông nghiệp nơi đây đã có nhiều đổi khác.

Hướng đi phù hợp

Hơn 5 năm nay, nhà ông Nguyễn Văn Hân ở khu dân cư Chi Ngãi 2, phường Cộng Hòa đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn bởi gia đình đã chuyển đổi 7 sào ruộng từ cấy lúa sang trồng rau. Trước kia, cứ đến vụ mùa ông Hân lại thấp thỏm, lo thiếu nước tưới dưỡng lúa. Từ khi chuyển sang trồng rau ăn lá, ông phấn khởi vì hiệu quả kinh tế mang lại. Ông Hân chia sẻ: "Trồng lúa nước ở nơi thường xuyên thiếu nước là không phù hợp. Còn rau ăn lá chỉ cần tưới nước đều chứ không cần nhiều nên chúng tôi có thể chủ động được. Cấy lúa nhà tôi chỉ đủ ăn, còn trồng rau đã khấm khá hơn vì thu lợi cao gấp từ 2-3 lần. Nhiều hộ ở đây cũng đã chuyển sang trồng các loại rau để giảm áp lực về nước tưới và nâng cao thu nhập".

Phường Hoàng Tiến cũng đã giải được bài toán thiếu nước sản xuất bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Phường có 380 ha đất trồng lúa với nguồn nước tưới chính từ hồ Suối Găng - Láng Trẽ. Vài năm trở lại đây, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, thay thế lúa bằng cây trồng cạn, cho giá trị kinh tế cao theo định hướng của chính quyền. Từ vài mô hình trồng hoa huệ đơn lẻ, phường đã hình thành vùng trồng hoa tập trung với tổng diện tích 50 ha, vùng gieo trồng rau màu rộng 70 ha. Ngoài ra, 280 ha cây ăn quả của phường cũng đang được quan tâm đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm với tổng kinh phí 12 tỷ đồng.

Do hiệu quả kinh tế mang lại, người dân Hoàng Tiến bắt đầu gom ruộng, mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư bài bản cho ruộng đồng. Một số hộ có hàng chục mẫu ruộng trồng hoa, rau màu. Có hộ không gom ruộng nhưng lại liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã. Ông Nguyễn Văn Đương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường cho biết định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương gắn với giải quyết tình trạng thiếu nước thường xuyên diễn ra. Phường xác định đến năm 2025, giảm diện tích gieo cấy lúa xuống còn 200 ha. Quy vùng sản xuất rau màu, hoa tập trung ở khu Hoàng Gián Cũ, Hoàng Gián Mới, vùng lúa chất lượng cao gần nguồn nước tưới ở khu Phục Thiện.

Sản xuất hàng hóa tập trung

Khu vực phía bắc quốc lộ 18 của thành phố gồm 7 phường, xã là Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Lê Lợi, Hưng Đạo, Bắc An, Hoàng Hoa Thám. Dù có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn song nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào 68 hồ tự nhiên. Năm nào khu vực này cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Trước thực trạng trên, thành phố đã có điều chỉnh sản xuất hợp lý để khai thác thế mạnh, khắc phục hạn chế, tạo nên diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp nơi đây.

Hưng Đạo là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp lớn của thành phố với khoảng 600 ha. Sản xuất nông nghiệp ở đây cũng đang thay đổi từng ngày. Những cánh đồng cấy lúa khô cằn, nứt chân chim dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả như dứa, vải, nhãn. Khu đồng Nứa, đồng Tranh, đồng Quán Cháy vốn là trọng điểm hạn hán của xã cũng đang được hồi sinh. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn có 11 hồ trữ nước phục vụ sản xuất nhưng dung tích hồ nhỏ, nếu chỉ cấy lúa sẽ không bảo đảm lượng nước tưới. Thông thường trong vụ xuân, địa phương gieo cấy 350 ha lúa thì vụ mùa chỉ còn 200 ha. Chính vì vậy, xã đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở diện tích cấy lúa thường xuyên thiếu nước. Tập trung cho cây ăn quả thế mạnh là nhãn. Năm nay, địa phương đã xây dựng được 1 vùng trồng nhãn xuất khẩu có kết quả khả quan. Thời gian tới, trên cơ sở thực tế và nhu cầu thị trường, xã sẽ quy hoạch vùng sản xuất nhãn hàng hóa.

Sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía bắc quốc lộ 18 của thành phố không còn đơn điệu mà đã dần hình thành những vùng chuyên canh, phù hợp với đặc thù và điều kiện canh tác từng địa phương. Nổi bật nhất là vùng trồng nhãn, vải, na, thanh long, dứa, cây dược liệu. Đây đều là những cây trồng có khả năng thích nghi với điều kiện khô hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố, thời gian qua, thành phố tích cực đồng hành cùng người dân phía bắc quốc lộ 18 trong việc lựa chọn, đưa cây trồng mới vào sản xuất. Những cây trồng không phù hợp hoặc cho giá trị kinh tế thấp như cam, ngô, lúa... sẽ bị loại bỏ hoặc giảm diện tích. Thành phố định hướng khu vực này sẽ thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với những mô hình sản xuất hàng hóa tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao.

"Hiện có doanh nghiệp mong muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực trên. Nếu thành công, nơi đây sẽ không còn phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước thường trực", ông Hà khẳng định.

NGUYỄN VŨ