Giá lợn hơi giảm, thịt ở chợ vẫn ế

Thị trường - Ngày đăng : 11:09, 12/09/2020

Giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với bình thường. Tại các chợ truyền thống, sức mua thịt lợn vẫn còn thấp.

Cuối tháng 8, giá lợn hơi trung bình cả nước dao động trong khoảng 78.000-83.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 7. Trong những ngày đầu tháng 9, giá mặt hàng này đã giảm mạnh, thậm chí xuống 74.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất hồi tháng 6.

Bộ Công thương nhìn nhận việc giảm giá này do dịch Covid-19 tái bùng phát ảnh hưởng đến sức mua, trong khi nguồn cung tăng so với các tháng trước. Cùng với việc nhập khẩu, các công ty chăn nuôi có thị phần lớn trong nước cũng tăng tái đàn.

Theo ghi nhận của phóng viên ở các chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa), chợ Nhân Chính, Chính Kinh (Thanh Xuân)… giá thịt lợn đã giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với tháng trước.

Gia lon hoi giam,  thit lon o cho van e anh 1

Tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), giá thịt ba chỉ dao động từ 140.000-150.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng), thịt sườn non từ 160.000-180.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng), thịt nạc vai từ 135.000-150.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng), thịt chân giò từ 120.000-130.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng)…

Giá giảm nhưng theo ghi nhận, sức tiêu thụ ở các chợ truyền thống vẫn ở mức thấp. “Người hỏi giá thì nhiều, người mua thì ít. Chỉ mong giá giảm nữa để khách mua chứ bán ế lắm”, bà Lan, tiểu thương bán thịt thở dài nói.

Đã quá trưa nhưng quầy thịt lợn của bà Lan tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn hơn một nửa. "Thịt lợn bán ra giờ không bằng một nửa so với đầu năm, mỗi ngày tôi chỉ dám nhập khoảng nửa tạ thịt về nhưng nhiều hôm không bán hết", bà nói.

Theo nhiều người tiêu dùng, mức giá sau khi đã giảm vẫn ở mức cao. Chị Nguyễn Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết so với mặt bằng chung của các loại thực phẩm khác thì giá thịt lợn vẫn đắt, trong khi thu nhập lại giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "Từ lâu, tôi vẫn mua các loại thịt gà, cá về ăn thay thế. Thỉnh thoảng, tôi mới sang quầy thịt lợn mua", chị chia sẻ.

Theo chị, với sức mua như hiện nay, giá thịt lợn có thể sẽ còn giảm. Nếu liên tục giữ giá cao thì người tiêu dùng sẽ quen dần với việc sử dụng các thực phẩm thay thế.

Gia lon hoi giam,  thit lon o cho van e anh 2

Mặc dù giá giảm nhưng sức tiêu thụ tại các chợ truyền thống vẫn ở mức thấp. Ảnh: Hoàng Hà

Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 3.9, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá lợn hơi giảm vừa qua do lượng nhập khẩu lợn thịt và thịt lợn tăng, số lượng lợn tái đàn cũng tăng đáng kể trong thời gian ngắn.

Tính đến hết tháng 7, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với lợn giống, có 27 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 292.590 con.

“Dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV.2020, cung cầu thịt lợn sẽ gặp nhau, giá lợn hơi sẽ đưa về mức hợp lý, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng, đồng thời vẫn giúp người chăn nuôi có lãi”, ông Trọng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết hiện trên địa bàn tỉnh đang có chỉ đạo tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn, tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức.

Chủ trương của tỉnh Hưng Yên là kiên quyết nghiêm cấm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư tái đàn, tăng đàn lợn, nhất là các hộ đã để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và không đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. "Chỉ cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi thì mới được tái đàn", ông nói.

Theo Zing