Nỗi niềm những lớp học tạm, học nhờ

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:04, 13/09/2020

Do nguồn lực có hạn nên không ít địa phương đành phải cho học sinh học nhờ, học tạm ở những phòng học chật chội, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.


Nhà lớp học 3 tầng, 12 phòng học của Trường Tiểu học Cẩm Văn (Cẩm Giàng) sẽ hoàn thành cuối tháng 9. Học sinh của trường sẽ không phải học trong những phòng cấp 4 xuống cấp và phòng học tạm như trước 

Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn nên học sinh nhiều trường vẫn phải học tạm, học nhờ. Ở những nơi này, cán bộ, giáo viên, học sinh vẫn đang từng ngày mong chờ sớm được giảng dạy và học tập trong một ngôi trường khang trang, an toàn.

Những năm qua, hàng trăm ngôi trường trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, cải tạo, nhưng ở không ít nơi do kinh tế khó khăn, nguồn lực có hạn nên việc xây dựng trường lớp gặp nhiều trở ngại, trường lớp thiếu đồng bộ.  

Phòng học chật chội, xuống cấp

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 98 phòng học tạm, 360 phòng học nhờ, chủ yếu ở các trường mầm non và tiểu học.

Tứ Kỳ là một trong những địa phương còn số phòng học tạm, học nhờ nhiều nhất tỉnh với 56 phòng. Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Đại Đồng (Đại Sơn) đã phải đi mượn 2 phòng cấp 4 của UBND xã để làm phòng học. Năm học 2019-2020, trường mượn thêm 1 phòng của Trạm Y tế xã cho học sinh lớp 3 học. Các phòng học đi mượn đều chật chội, ẩm thấp, xuống cấp. Năm học này trường tăng thêm 60 học sinh nên nhiều khả năng phải mượn thêm 2 phòng ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cách trường khoảng 300 m. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Đồng Nguyễn Thị Phương cho biết: "Phải đi học nhờ nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của giáo viên, học sinh. Phụ huynh nhiều lần phàn nàn vì các em không có không gian để vui chơi, chỗ đi vệ sinh cũng bất tiện. Nhà trường không biết làm thế nào nên cứ 2 tháng lại phải xoay cho các lớp thay nhau học tại những phòng học nhờ để bảo đảm công bằng".

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết có khoảng 10 phòng học đi mượn ở 2 xã An Thanh, Văn Tố là nhà cấp 4 hoặc bán kiên cố nhưng đã sử dụng lâu năm, xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn. Ngày 24.8 vừa qua, phòng đã phải tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các trường không được tổ chức dạy học tại những phòng học này. Yêu cầu các địa phương khẩn trương tu sửa, bảo đảm đủ điều kiện an toàn mới được sử dụng.

Trường Mầm non Minh Hòa là trường duy nhất của thị xã Kinh Môn chưa đạt chuẩn quốc gia. Học sinh vẫn đang phải học tại 2 điểm. Toàn trường có 21 phòng, trong đó 5 phòng học cấp 4 được xây cách đây gần 20 năm. Do số lượng học sinh đông nên từ những năm học trước, trường đã phải chia đôi 2 phòng học thành 4, ngăn đôi bếp ăn làm 2 phòng học khác. Các phòng chức năng như hội đồng, âm nhạc cũng được trưng dụng để làm phòng học. "Các phòng học rất chật chội, không đủ không gian chăm sóc, giáo dục trẻ, chất lượng giáo dục của nhà trường nhiều năm nay gần như dậm chân tại chỗ. Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc thực hiện giãn cách gần như không thể", cô giáo Hoàng Thị Lựu, Hiệu trưởng nhà trường than thở.


Năm học này, học sinh Trường Tiểu học Đại Đồng, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) vẫn phải tiếp tục đi học nhờ tại những phòng cấp 4 chật chội, ẩm thấp

Tạo nguồn gỡ khó

Số lượng học sinh tại các địa phương ngày càng tăng. Việc đầu tư xây dựng trường lớp sẽ xóa bỏ phòng học tạm, học nhờ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực.

Tỷ lệ phòng học tạm, học nhờ tại một số huyện như Cẩm Giàng, Thanh Miện, Nam Sách... hiện còn không đáng kể. Đây là những địa phương cũng từng có nhiều phòng học tạm, học nhờ như một số nơi khác. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, nhờ biết tranh thủ sự hỗ trợ từ cấp trên và huy động các nguồn lực khác để có kinh phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Ông Khổng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết huyện đã giao cho các xã quy hoạch, đấu giá chuyển quyền sử dụng đất để có kinh phí xây dựng trường lớp. Cùng với đó, chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng trường lớp. Vì thế, huyện hiện chỉ còn Trường Mầm non Tân Trào phải sử dụng phòng học nhờ nhưng việc này sẽ sớm được giải quyết vì địa phương đã giải phóng xong mặt bằng và bố trí được vốn. 

Tình trạng học tạm, học nhờ kéo dài ở Trường Tiểu học Đại Đồng chắc chắn cũng sẽ sớm chấm dứt trong thời gian tới. Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Nguyễn Văn Tiệp cho biết địa phương đã giải phóng mặt bằng xong, sẽ ưu tiên nguồn lực để xây Trường THCS Đại Sơn trong năm nay. Sau khi hoàn thành, cơ sở của Trường THCS Đại Đồng cũ sẽ bàn giao lại cho Trường Tiểu học.

Đến thời điểm này, huyện Tứ Kỳ có 59 trong tổng số 81 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số trường còn lại sẽ đạt chuẩn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, bảo đảm đủ phòng học cho các ngành học.

Việc xóa phòng học tạm, học nhờ vẫn sẽ là thách thức lớn đối với một số nơi. Cô giáo Hoàng Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Hòa cho biết thêm để đạt chuẩn quốc gia, trường cần thêm khoảng 1.000 m2 mới bảo đảm diện tích, đồng thời xây thêm nhà lớp học. Việc mở rộng diện tích không hề dễ dàng. "Nhà trường đã một số lần đề nghị với địa phương xin đất hội trường thôn Ngoại vì nằm sát cạnh trường, chuyển hội trường ra vị trí khác nhưng việc này đang gặp khó khăn. Trường rất cần các cấp, các ngành sớm vào cuộc tháo gỡ", cô Lựu nói.

BÌNH MINH