"Tiếng súng" mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền

Tin tức - Ngày đăng : 15:35, 26/09/2020

Cách đây 80 năm, ngày 27.9.1940, tại vùng căn cứ cách mạng Bắc Sơn đã ghi dấu một cuộc khởi nghĩa vang dội với trận đánh đồn Mỏ Nhài.


Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9.1940. Ảnh tư liệu

Không chỉ là biểu hiện của sức sáng tạo, tài thao lược trong chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khởi nghĩa Bắc Sơn còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng - là “tiếng súng” mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền của dân tộc ta.

Cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng

Từ vùng châu lỵ khuất nẻo nằm ở phía Tây Nam xứ Lạng, địa danh Bắc Sơn ghi dấu bằng một cuộc khởi nghĩa với vũ khí thô sơ nhưng tinh thần thép đã đánh chiếm đồn giặc Pháp một cách oanh liệt, vẻ vang.

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra ngày 27.9.1940 là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là “tiếng súng” mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền, là sự hiện thực hóa quan điểm “bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc” của Đảng ta.

Ngược dòng lịch sử, vùng đất Bắc Sơn (Lạng Sơn) vốn là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng. Từ năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đến Bắc Sơn vận động cách mạng, gây cơ sở đầu tiên ở xã Vũ Lăng. Ngày 25.9.1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã kết nạp 4 quần chúng trung kiên vào Đảng và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn.

Việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản là một bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bắc Sơn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào quần chúng đã phát triển mạnh mẽ về chính trị và tổ chức; diễn ra những cuộc đấu tranh chống đi phu, đi lính, chống bọn hào lý phù thu lạm bổ của nhân dân. Cùng với những cuộc đấu tranh đó, các đội tự vệ cũng được tổ chức.

Ngày 22.9.1940, phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn. Thực dân Pháp hèn nhát đầu hàng, chính quyền tay sai ở khắp nơi hoang mang, lo sợ. Đám tàn binh Pháp rút chạy theo đường 1B qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Đi tới đâu chúng cũng ra sức cướp bóc, bắn giết nhân dân ta tới đó, làm cho nhân dân căm thù đến cực điểm, quyết tâm nổi dậy giết giặc, giành chính quyền về tay mình.

Sáng ngày 27.9.1940, cuộc họp do chi bộ Đảng triệu tập thống nhất các chủ trương khởi nghĩa và phát động quần chúng nhân dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang.

Chi bộ xác định lực lượng cách mạng là đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Ban chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún; đồng chí Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng; chọn địa điểm tấn công đầu tiên là đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.

Tối 27.9.1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đội tự vệ vũ trang cùng khoảng 3.000 quần chúng gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh thuộc các xã Tam Hoa, Hưng Vũ, Trấn Yên, Ngư Viễn dưới sự chỉ đạo của chi bộ Cộng sản xã Hưng Vũ, huy động người dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài tập hợp lực lượng cùng nhau khua chiêng, gõ mõ, mang theo giáo mác, gậy gộc kéo về châu lỵ Bắc Sơn, tiến đánh đồn Mỏ Nhài - vị trí xung yếu của địch ở Bắc Sơn.

Sau cuộc tấn công chớp nhoáng, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm được đồn Mỏ Nhài, binh lính quân đội Pháp hoảng sợ bỏ chạy, chính quyền cai trị bị tan rã. Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai do đế quốc dựng lên.

Ngày 28 và 29.9.1940, quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công vào tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Dì. Trước tình thế đó, Pháp, Nhật thỏa hiệp với nhau để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thực dân Pháp đưa quân lên chiếm lại các đồn và đàn áp nhân dân dữ dội.

Ngay sau khi được tin cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài.

Đầu tháng 10.1940, Ban Chỉ huy căn cứ Bắc Sơn được thành lập. Tiếp đó, ngày 13.10.1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn.

Tuy nhiên, đến ngày 28.10.1940, quần chúng cách mạng đang tổ chức mít tinh ở Vũ Lăng, chuẩn bị đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài thì bị quân Pháp tấn công. Nghĩa quân phải rút chạy vào vùng Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Võ Nhai (Thái Nguyên).

Ý nghĩa lịch sử và những bài học quý báu

Mặc dù khởi nghĩa Bắc Sơn chỉ tồn tại trong vòng 1 tháng, chỉ diễn ra trên phạm vi một huyện, nhưng có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu thời kỳ cách mạng nước ta sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang giành chính quyền; khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, sự chủ động, sáng tạo của cấp bộ Đảng, tinh thần anh dũng, quật cường của nhân dân địa phương.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức tự giác, tổ chức và tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tiếp, đầy đủ vào các nhiệm vụ cách mạng. Khởi nghĩa Bắc Sơn là minh chứng rõ nét nhất về vai trò của quần chúng nhân dân, của “thế trận lòng dân” trong đấu tranh cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ khởi nghĩa Bắc Sơn đã hình thành và xây dựng được một trong những đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng là Đội du kích Bắc Sơn (được thành lập ngày 14.2.1941), thúc đẩy sự ra đời, trưởng thành của các đội Cứu quốc quân 1,2,3 - những đội quân tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cũng từ đây đã từng bước thành lập căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai, trở thành nòng cốt trong việc củng cố, phát triển và thúc đẩy phong trào cách mạng ở các địa phương lân cận và cả nước.

Sau cuộc khởi nghĩa này, nhiều địa phương trên cả nước đã noi gương Bắc Sơn, xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, đợi thời cơ thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa.

Đặc biệt, khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, giúp Đảng ta có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn và cơ sở lý luận cho đường lối đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Đây cũng là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng ta lãnh đạo Tổng khởi nghĩa năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; và cũng là tiền đề cho những thắng lợi vĩ đại tiếp theo trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, phát huy tinh thần khởi nghĩa Bắc Sơn, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần cùng cả nước đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế-xã hội của tỉnh Lạng Sơn có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế duy trì tốc độ phát triển khá cao trong nhiều năm liên tục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 48,5 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2015); lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh…

Theo TTXVN