Ba lần thiệt hại

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 29/09/2020

Khi xảy ra tiêu cực về mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế thì thiệt hại đầu tiên, rõ ràng nhất thuộc về các bệnh nhân.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 2 cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai gồm Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng để điều tra về hành vi câu kết với các công ty “thổi giá” máy móc, thiết bị y tế lên gấp nhiều lần. Vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội cũng đang được tiếp tục điều tra, nguyên Giám đốc của đơn vị này đã bị khởi tố. 

Khi xảy ra tiêu cực về mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế thì thiệt hại đầu tiên, rõ ràng nhất thuộc về các bệnh nhân. Họ phải gánh thêm phần giá đã được nâng khống, cụ thể như trong vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh phải trả 23 triệu đồng cho mỗi đợt sử dụng máy, trong khi chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh chỉ 4 triệu đồng. Số tiền chênh lệch trả cho lòng tham của những kẻ trục lợi là khoản kinh phí không nhỏ đối với nhiều gia đình bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh phải điều trị dài ngày. Có thể nhiều bệnh nhân đã không thể tiếp tục điều trị do không gánh được chi phí đã bị đội lên cao hơn thực tế nhiều lần. 

Việc gian lận trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế, chỉ định sử dụng các xét nghiệm không cần thiết bằng máy móc xã hội hóa còn làm xói mòn lòng tin của người dân đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Bởi vì có những tiêu cực đã xảy ra nên nhiều người cảm thấy nghi hoặc việc kê đơn, chỉ định điều trị, băn khoăn không biết sự chỉ định đó liệu có dựa trên những lợi ích cá nhân của những người có thẩm quyền trong cơ sở y tế hay không. Do không có chuyên môn, hiểu biết đủ sâu về lĩnh vực y tế để tự đánh giá, lại không có niềm tin vào bác sĩ, nhiều người đã không thực hiện chỉ định điều trị, tự ý chữa bệnh bằng các biện pháp khác. Thiệt hại thứ hai về mặt niềm tin này gây bất lợi cho cả người dân lẫn đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Người bệnh không tuân thủ điều trị sẽ khó lòng chữa khỏi được bệnh. Các bác sĩ, y tá trở nên vất vả hơn trong việc thuyết phục bệnh nhân, nhiều khi sự chỉ định chỉ vì lợi ích của bệnh nhân cũng bị phản đối, nghi ngờ. Không phải cơ sở y tế nào cũng có tiêu cực nhưng khi “con sâu làm rầu nồi canh” thì những thiệt hại về niềm tin các cơ sở y tế ít nhiều đều phải gánh chịu. 

Trong số các cựu lãnh đạo, cán bộ của các cơ sở y tế bị khởi tố gần đây, có những người vốn rất giỏi trong chuyên môn, có người còn là anh hùng lao động. Khi phạm tội, họ làm cho ngành y thiệt hại bởi bị mất đi những bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn, tay nghề giỏi. Người phạm tội sẽ phải trả giá cho hành vi sai trái của mình theo quy định của pháp luật. Song tình trạng này lại thêm một lần nữa đòi hỏi ngành y cần giải quyết vấn đề bất cập tồn tại lâu nay là bổ nhiệm những người giỏi về chuyên môn nhưng không thật sự giỏi về quản lý. Để xảy ra tiêu cực tại các cơ sở y tế, ngoài nguyên nhân lòng tham của một số cá nhân còn do sự buông lỏng, khả năng quản lý yếu kém của bộ máy lãnh đạo các nơi đó. 

Từ năm 2016, Bộ Y tế có xu hướng bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện không đặt nặng yếu tố giỏi chuyên môn mà quan trọng là năng lực quản trị. Ngoài xây dựng các quy trình mua sắm minh bạch, xu hướng này nên được tăng cường, đẩy mạnh để ngành y không mất đi các bác sĩ giỏi, thay bằng những lãnh đạo yếu kém và những thiệt hại không bị nhân lên gấp nhiều lần như trong các vụ án đang được điều tra. 

THÁI HÒA