Bước đệm quan trọng cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật
Bình luận - Ngày đăng : 15:45, 07/10/2020
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoe (trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Tokyo
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Nhà Trắng tới Nhật Bản kể từ khi tân Thủ tướng Yoshihide Suga nhậm chức hôm 16.9. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược này.
Đồng minh bền chặt
Nhật Bản là đồng minh thân thiết của Mỹ tại khu vực châu Á. Nhật Bản có vị trí địa-chính trị quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ lâu là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính Mỹ, có thể nói thuộc phạm vi an ninh quốc phòng của Mỹ. Với những mục tiêu an ninh chung, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản đóng vai trò sống còn đối với Mỹ. Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xây dựng quan hệ gần gũi với Thủ tướng Shinzo Abe khi đó và Nhật Bản cũng là chặng dừng chân đầu tiên của ông Trump khi thăm châu Á hồi tháng 11.2017. Tháng 5.2019, Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục thực hiện chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 4 ngày với tư cách quốc khách đầu tiên khi triều đại Lệnh Hòa bắt đầu tại đất nước "Mặt Trời mọc".
Về phía Nhật Bản, ông Abe cũng được coi là nhà lãnh đạo nước ngoài tích cực nhất trong việc thúc đẩy quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ, coi đây là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại và duy trì an ninh khu vực. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống đắc cử Trump sau cuộc bầu cử năm 2016 và là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức. Tiếp đó tháng 4.2018, Thủ tướng Nhật Bản đã thực hiện chuyến thăm tới Mỹ nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh và tháng 6 cùng năm, Thủ tướng Nhật Bản đã tiếp tục thực hiện chuyến thăm chính thức tới Mỹ lần thứ ba.
Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Abe khi đó là người có lập trường cứng rắn và được cho là đã “kề vai sát cánh” với Tổng thống Trump trong suốt năm 2017 khi ủng hộ chiến lược của Washington gây “sức ép tối đa” và tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên sau liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm này. Củng cố liên minh Mỹ-Nhật nhằm đối phó với những động thái của Triều Tiên cũng như "dẫn dắt" phản ứng của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này, trở thành ưu tiên trong các cuộc gặp cấp cao Nhật-Mỹ.
Dù là đồng minh chiến lược trong nhiều thập niên, song dưới thời Tổng thống Trump giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn vướng mắc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là cán cân thương mại và chính sách của Mỹ với Triều Tiên.
Ngay sau khi chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản thay thế Thủ tướng Abe từ chức vì lý do sức khỏe, ông Yoshihide Suga đã cam kết tiếp tục theo đuổi các chính sách đối ngoại và an ninh của người tiền nhiệm. Cụ thể, Thủ tướng Suga coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là nền tảng trong chính sách ngoại giao và an ninh của Tokyo. Nhật Bản tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Ngày 20.9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm, trong đó thảo luận tầm quan trọng của liên minh giữa hai nước. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Suga nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản với cam kết tiếp tục theo đuổi chủ trương của người tiền nhiệm Shinzo Abe. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày sau đó, Nhà Trắng khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ ngày càng vững mạnh và Tổng thống Trump mong chờ cộng tác với Thủ tướng Suga củng cố quan hệ giữa hai nước.
Củng cố quan hệ, “tối đa hóa” lợi ích
Theo giới quan sát, để duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ với Nhật Bản hậu kỷ nguyên Abe, Mỹ cần phải có những bước đi cụ thể nhằm khẳng định cam kết đối với đồng minh, cũng như hóa giải những lo ngại của chính quyền Tokyo. Và trong một bước đi cụ thể Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tiến hành chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi tân Thủ tướng Suga nhậm chức.
Trong cuộc hội đàm tại Tokyo, ngày 6.10, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương cũng như hợp tác trong một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Hai bên tái khẳng định mối quan hệ đồng minh song phương vững chắc. Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi nhấn mạnh Tokyo hy vọng củng cố hơn nữa mối quan hệ này, coi đây là nền tảng của hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn Nhật Bản và Mỹ dẫn dắt cộng đồng quốc tế hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoại trưởng Motegi cũng thăm hỏi sức khỏe của Tổng thống Mỹ Trump và Đệ nhất phu nhân, gửi lời chúc hai vợ chồng Tổng thống Mỹ sớm khỏi COVID-19. Về phần mình, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ Washington nhất trí rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là nền tảng của hòa bình, ổn định tại khu vực, mà trụ cột của nền tảng đó là mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Suga cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đánh dấu hoạt động đối ngoại trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Ông Pompeo đánh giá cao vai trò và đóng góp của Thủ tướng Nhật Bản Suga khi còn làm Chánh văn phòng Nội các dưới thời cựu Thủ tướng Abe, bày tỏ mong muốn Thủ tướng Suga tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy quan hệ Nhật-Mỹ.
Hai bên nhất trí sẽ tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ để làm trụ cột cho hòa bình và ổn định tại khu vực và quốc tế, liên kết chặt chẽ với các nước chia sẻ chung các giá trị cơ bản về dân chủ, tự do để thực hiện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu Washington hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản từ những năm 1970, 1980 và nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Ngoại trưởng Pompeo. Ngoại trưởng Mỹ cũng cam kết ủng hộ Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Tokyo trong năm 2021.
Theo giới phân tích, không khó để nhận thấy mục đích chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là củng cố hơn nữa mối quan hệ đồng minh lâu năm, đồng thời cũng cho thấy cách hai bên cố gắng “tối đa hóa” lợi ích chiến lược.
Với Nhật Bản, những cam kết trong quan hệ đồng minh với Mỹ của Thủ tướng Suga cũng như Ngoại trưởng Motegi là bước đi khôn khéo. Điều này cũng phù hợp với chiến lược của cựu Thủ tướng Abe trong quan hệ với Mỹ: giữ ổn định mối quan hệ này, tìm cách tránh xa mâu thuẫn và xung đột với Washington. Bởi dù thế nào, Nhật Bản vẫn cần dựa vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ ở khu vực, nhất là trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên luôn diễn biến khó lường. Về kinh tế, mặc dù Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản song Mỹ cũng vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Tokyo. Chính vì thế, mối quan hệ đồng minh với Mỹ là điều mà Nhật Bản không thể để mất.
Đối với Mỹ, chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo kể từ khi Thủ tướng Suga nhậm chức không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đồng minh mà còn đặt Tokyo vào vai trò lớn hơn trong chiến lược châu Á của Washington.
Chiến lược gây sức ép tối đa về thương mại với Bắc Kinh hay hòa giải đối thoại với Triều Tiên hiện chưa đạt được kết quả cuối cùng theo ý muốn của chính quyền Mỹ. Bởi vậy, Mỹ cần tới vai trò của đồng minh Nhật Bản - quốc gia có thể hỗ trợ Washington cả về kinh tế và an ninh. Một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản sẽ giúp Washington duy trì áp lực với Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Trump có thể cần tới sự hỗ trợ quân sự của Nhật Bản về các vấn đề an ninh với Triều Tiên.
Ngoài Triều Tiên và Trung Quốc, theo các nhà quan sát, Mỹ cũng cần tới Nhật Bản như một đồng minh đáng tin cậy và là lựa chọn phù hợp trong việc đối phó với Iran. Hiện căng thẳng giữa Mỹ-Iran đang leo thang ngày một nghiêm trọng nên cần phải có một “sứ giả” với vai trò hòa giải các bên. Trong lúc các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn tỏ ra “bênh vực” Tehran, còn các nước Vùng Vịnh lâu nay coi Iran là “kẻ thù”, việc tìm một đối tác bên ngoài, trung lập như Nhật Bản là lựa chọn thích hợp.
Với việc cả hai bên cùng muốn “tối đa hóa” lợi ích mà đối phương mang lại, chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lần đầu tiên kể từ khi Nhật Bản có thủ tướng mới sẽ tiếp tục là bước đệm quan trọng cho quan hệ đồng minh không thể tách rời.
Theo TTXVN