Thích nghi với sự bất định

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 21/10/2020

Câu nói "Điều duy nhất chắc chắn trong cuộc sống đó là sự không chắc chắn" trở nên rất đúng với 2020, năm xảy ra nhiều tai ương ngoài sức tưởng tượng.

Thích nghi với sự bất định - Ảnh 1.

Thị trấn Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) chìm trong nước lũ - Ảnh: THÁI LỘC

Đồng bào cả nước đang hướng về "khúc ruột" miền Trung, bị tàn phá bởi những trận lũ. Nhưng không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng hứng chịu những thảm họa thiên nhiên chưa từng.

Khi thế giới đón giao thừa năm 2020, nước Úc phải chật vật tìm cách đối phó với nạn cháy rừng thiêu rụi 18,6 triệu hecta rừng và khiến hàng trăm người chết.

Ngay sau đó, virus corona bùng phát ở Trung Quốc nhanh chóng lan khắp thế giới, gây ra đại dịch COVID-19 mà đến nay đã có hơn 40 triệu người nhiễm và hơn 1,1 triệu người tử vong.

Trong năm nay, núi lửa Taal bỗng nhiên "thức dậy" sau 43 năm tạo nên vụ phun trào khủng khiếp khiến hàng nghìn người phải di tản trên đảo Luzon, Philippines.

Cũng năm 2020, lũ lụt quy mô lớn càn quét và gây thiệt hại nặng nề ở nhiều nước châu Á. Điển hình ở Trung Quốc, số trận lũ lụt năm 2020 đến nay gấp 1,6 lần so với những năm trước, đạt kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998, theo Thời báo Hoàn cầu. Và ngày 13.10, Liên hợp quốc công bố báo cáo cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng số lượng thiên tai gấp đôi trong 20 năm qua.

Theo đó, từ năm 2000 - 2019, có 7.348 trận thiên tai lớn, cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng đến 4,2 tỷ người, gây thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.

Năm 2020 cũng chứng kiến nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ: đại dịch châu chấu ở Đông Phi và một phần châu Á, nhiệt độ cao nhất trên toàn cầu được ghi nhận ở thung lũng Chết (bang California, Mỹ) với 56,7 độ C, tảo xanh nở rộ tại nhiều nơi ở Nam Cực quanh năm tuyết phủ.

Để đối phó với sự bất định, nhiều quốc gia đang hướng người dân học cách thích nghi, trong đó tập trung xây dựng những cộng đồng có thể chống chịu với thiên tai. Chẳng hạn để đương đầu với nguy cơ cháy rừng, mới đây ở 3 tiểu bang California, Oregon và Washington, người dân đang học cách sống chung với nó. 

Ở cấp hộ gia đình, các gia đình được tập huấn và hiểu rõ họ luôn phải có kế hoạch khẩn cấp, quần áo, giấy tờ cần thiết, thuốc men, đồ ăn và nước uống dùng cho nhiều ngày, cũng như được cung cấp đầy đủ về nơi di tản, các số điện thoại khẩn cấp. Đây cũng là những kinh nghiệm có ích để đối phó chủ động với thiên tai khác như lũ lụt và động đất.

Song song với thích nghi là mọi người điều chỉnh hành vi. Các phong trào sống xanh, bảo vệ môi trường ở Việt Nam cần được tạo điều kiện và khuyến khích hơn nữa để góp phần giảm thiểu khí nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

Các cơ quan chức năng cần cân đo đong đếm những tác động môi trường trước khi cấp phép cho các dự án kinh tế, năng lượng, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Không phát triển kinh tế bằng mọi giá".

Nhiều người cũng kỳ vọng rằng ngày càng nhiều tổ chức xã hội và những cá nhân có ảnh hưởng phát động các phong trào và sáng kiến giúp gia tăng nhận thức môi trường cho công chúng. Như hoàng tử Anh William phát động giải thưởng nhiều triệu USD để tìm giải pháp giải cứu Trái đất trước các vấn đề môi trường lớn trong tương lai.

Rõ ràng, thiên tai địch họa là điều chúng ta phải đối mặt thường xuyên trong những năm tới, nhưng chủ động thích ứng với nó để giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng và của cải là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của mỗi chúng ta.

QUỲNH TRUNG