Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tin tức - Ngày đăng : 07:17, 28/10/2020

Báo điện tử Hải Dương đăng toàn văn tham luận của đồng chí Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.


Được Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu phát biểu ý kiến tham luận tại Đại hội; lời đầu tiên, tôi xin kính chúc các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, chức Đại hội thành công tốt đẹp. Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung các báo cáo, văn kiện đã được trình bày tại Đại hội, tôi xin tham luận làm rõ thêm về vấn đề: "Tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới".

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, trong nhiệm kỳ vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các đề án, kế hoạch với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở như: Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 29.8.2016 về "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020"; Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 28.4.2017 về “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021”. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch cụ thể quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39- NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU, Đề án số 03 -ĐA/TU với quyết tâm chính trị cao và đạt được một số kết quả rõ nét như trong báo cáo chính trị trình Đại hội đã nêu.

Kết quả nổi bật là tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm được 41 đầu mối, trong đó 01 đầu mối trực thuộc cấp ủy tỉnh và 40 đầu mối cấp phòng; giảm 142 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 30 đơn vị hành chính cấp xã và 135 thôn, khu dân cư; 52/235 (22,1%) xã thực hiện bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND; 1230/1334 (=92,2%) thôn, khu dân cư bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư; việc thí điểm bố trí chức danh người đứng đầu được thực hiện ở tất cả các mô hình theo nghị quyết, kế hoạch của Trung ương; tinh giảm biên chế các cơ quan, đơn vị đạt chỉ tiêu đề ra. Với cách làm thận trọng, từng bước, chắc chắn nên việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là: công tác đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; việc sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả chưa cao; việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi, có lúc còn lúng túng, chưa kịp thời. 

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do công tác tổ chức, xây dựng Đảng là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động tới tâm tư, tình cảm, lợi ích của nhiều đối tượng; một số quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước còn thiếu tính đồng bộ nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện; khi triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, trong đó có việc xác định cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy,... Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan như:  Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa toàn diện, sâu sát, chưa quyết liệt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu còn chưa chủ động, sáng tạo, thiếu sự quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện;  việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hiện nay còn nhiều bất cập, còn biểu hiện nể nang, thiếu quyết liệt nên dẫn đến việc thực hiện tinh giản biên chế còn gặp khó khăn nhất định. 

Trong dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, xác định rõ 01 trong 03 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng ở nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện  tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động”; báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng xác định nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về tổ chức trong nhiệm kỳ tới là “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để thực tốt nhiệm vụ nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện. 

Hai là, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đề ra với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, xác định rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội. Sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo vị trí việc làm.

Thực hiện tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo sự đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế theo mục tiêu đề ra.

Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó phòng ở các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo đúng quy định của Ban Bí thư và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Khẩn trương thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, giảm số lượng cấp phó phòng ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo đúng Nghị định của Chính phủ.

Bốn là, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, các chương trình, đề án về tổ chức, bộ máy tìm ra những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng. Trước mắt tập trung tiến hành sơ kết, đánh giá những mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy (bố trí trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ, chủ nhiệm UBKT cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra ở cấp huyện, sáp nhập văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện,…) nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả. Tiến hành tổng kết việc thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU, Đề án số 03 -ĐA/TU để đề ra các chủ trương, giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã và sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2021 - 2026.

Năm là, cùng với việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó cần tập trung rà soát hoàn thiện quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền cho các cơ quan tham mưu và các cấp chính quyền đảm bảo giải quyết các công việc nhanh, hiệu quả, tránh chồng chéo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp được nêu trong kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị.

NGUYỄN HỮU THÔNG
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy