Có một sự đợi chờ làm nên huyền thoại
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 18:30, 01/11/2020
Ai đó đã nói rằng trong tình yêu, nam nữ đều bình đẳng. Trong thực tế, phụ nữ vốn là đối tượng của cái đẹp, của sự chinh phục. Nhưng trong bài thơ này, tình yêu của người phụ nữ chỉ là đơn phương, chị đang thất bại khi phải chứng kiến người mình yêu “tay trong tay” với người con gái khác. Tuy nhiên, người thơ vẫn đợi, vẫn chờ, cho dù sự chờ đợi có làm trái tim tan nát, chị vẫn không nản, vẫn hy vọng với một niềm tin không tắt.
Là người luôn khao khát tình yêu, nhưng hình như với nhà thơ đa đoan này thì càng khao khát, càng đắng cay, thất bại. Không thể phủ nhận Huyền thoại của Đoàn Thị Lam Luyến cũng được viết lên từ những nỗi đau cuộc đời. Chả thế mà mở đầu bài thơ là một khát khao, một mong ước cháy bỏng: “Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm/ Khi tỉnh dậy, anh đã chia tay với người con gái ấy?/ Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy/ Em sẽ chờ như thể một tình yêu…”. “Giá” chỉ là một giả định, một ước ao. Triệu năm đã là dài, nhưng giá được anh hẹn hò, người thơ còn dám đánh đổi bằng sự vô tận của thời gian. Và hơn thế, chị khẳng định chắc chắn không chỉ một lần: Em sẽ chờ.
Trong Huyền thoại, cái tôi đầy cá tính của nhân vật trữ tình được hiện hữu trong hy vọng, đợi chờ bất chấp thời gian và những khó khăn, trắc trở. Những từ chờ, đợi cứ lặp đi, lặp lại, tạo thành âm hưởng thiết tha, như biểu tượng về một tình yêu vĩnh cửu. Sự chờ đợi của người phụ nữ trở nên cụ thể, bền bỉ, quyết liệt hơn nhờ sự so sánh:“Em sẽ chờ như hòn đá biết xanh rêu…/ Em sẽ chờ anh như lúa đợi sấm tháng ba/ Như vạt cải vội đơm hoa, đợi ngày chia cánh bướm”. Những so sánh minh chứng cho sự chờ đợi tất yếu của thiên nhiên vạn vật, nhà thơ tin ở sự chờ đợi, dẫu chỉ là niềm tin mong manh cho một tình yêu không được đền đáp. Chỉ có một trái tim yêu say đắm, mãnh liệt mới có thể dũng cảm bày tỏ tình yêu một cách đầy bản năng và quyết liệt đến vậy!
Mặc dù không được hẹn hò, nhưng người thơ vẫn tin vào phép màu của tình yêu để sống và chờ đợi, tin ở thuyết nhân quả “ở hiền gặp lành”. Nhưng ông trời thật trớ trêu, đã không gắn kết hai người, mà “xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác”? Người ta bảo phụ nữ khi yêu thường dại dột mù quáng, nhưng ở đây, người phụ nữ vẫn tỉnh táo để nhận ra rằng: "Có phải rượu đâu mà chờ cho rượu nhạt/ Có phải miếng trầu đợi trầu dập mới cay? Dẫu chẳng được hẹn hò, em cứ đợi, cứ say/ Ngâu xa nhau Ngâu có ngày gặp lại/ Kim - Kiều lỡ duyên nhau chẳng thể là mãi mãi". Nhà thơ thật có lý khi viện dẫn ra những “dẫn chứng” để tự an ủi và củng cố niềm tin cho sự đợi chờ. Trong văn học, bao mối tình trắc trở rồi cũng được đoàn tụ, như chuyện vợ chồng Ngâu gặp nhau, dẫu mỗi năm chỉ một lần, hoặc Kim Kiều lỡ duyên nhau mười lăm năm, nhưng cuối cùng vẫn được tái hợp... Người phụ nữ vẫn mong cuộc đời này cũng có những kết thúc có hậu.
Trở lại mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, câu thơ: “Dẫu chẳng được hẹn hò em cứ đợi, cứ say”, như xoáy vào lòng người đọc. Ta như nghe được nỗi da diết cất lên từ thẳm sâu cõi lòng của một người phụ nữ khát yêu, luôn hoài vọng về một tình yêu tròn đầy, vĩnh viễn, nhưng lại gặp đầy bất trắc. Câu thơ vừa thực vừa ảo, làm toát lên sự cứng cỏi đầy cá tính, nhưng cũng rất đỗi dịu dàng của người phụ nữ khi yêu. Vì tình yêu, em sẵn sàng thế chấp tất cả dẫu không được sẻ chia, đền đáp. Điệp khúc “Em sẽ chờ”, “Em cứ chờ”, “Em vẫn chờ” như một sự tăng tiến, thách thức thời gian để làm nên một tình yêu huyền thoại.
Với giọng điệu thiết tha sâu lắng, hình ảnh cô đọng, hấp dẫn, Huyền thoại là một bài thơ hay, đầy ám ảnh về một tình yêu đơn phương của người phụ nữ. Dù đơn phương, nhưng bài thơ không có sự chán nản, thất vọng, mà thay vào đó là một tâm hồn trong trẻo, đằm thắm; một khát khao rất đời thường của một trái tim yêu mãnh liệt - yêu hết mình. Với ý nghĩa ấy, Đoàn Thị Lam Luyến đã tạc nên một huyền thoại tình yêu đẹp đẽ trong thơ và trong cuộc đời.
NGUYỄN THỊ BÌNH
Huyền thoại ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN |