Ở riêng

Xã hội - Ngày đăng : 11:16, 15/11/2020

Chị thấm thía câu nói của chồng: “Thôi! Đừng hóng nhà đất của cha mẹ để lại, tự tay mình làm ra thì mới bền em ạ”.


Mấy hôm nay đến cơ quan, chị Nga như người mất hồn. Mắt thâm quầng, mặt nhợt nhạt, hễ giải lao là chị lại to nhỏ hỏi chị em cùng phòng xem chỗ nào có mảnh đất thuận tiện, vừa rẻ vừa yên tĩnh, lại gần cơ quan của hai vợ chồng để chị mua và xây ngay cái nhà nhỏ lấy chỗ chui ra chui vào. Cả phòng sửng sốt, ai cũng thắc mắc: “Sao đang yên đang lành chị lại ra ở riêng?”, “Chồng chị là con trai một cơ mà? Đằng nào nhà của bố mẹ chồng chị sau này chẳng là của anh chị?”, “Vợ chồng chị ra ở riêng thì mẹ chồng chị ở một mình à?”, “Hồi đầu năm chị vừa sửa nhà cơ mà”... Nghe mọi người thắc mắc, chị Nga rơm rớm nước mắt: “Sửa nhà mất gần nửa tỷ chứ có ít đâu. Sửa xong, bà cụ nhất quyết không sang tên cho vợ chồng chị, bảo mai kia nhắm mắt sẽ chia đều cho các con, con nào cũng là con. Chồng chị còn ba cô em gái nữa cơ”. Mọi người lè lưỡi lắc đầu: “Vậy thì ra ở riêng sớm ngày nào hay ngày ấy”.

Lúc mới về làm dâu, chị Nga chẳng bao giờ có ý nghĩ mình sẽ ra ở riêng bởi chồng chị là con trai duy nhất, lại công tác xa nhà nên chị muốn ở cùng bố mẹ chồng để còn chăm nom ông bà lúc ốm đau hoặc nhờ cậy ông bà trông cháu nhỏ. Gần hai chục năm sống chung với bố mẹ chồng, chị luôn làm tròn bổn phận dâu con dù trong cuộc sống thường ngày không tránh khỏi những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Chị học được nguyên tắc tôn trọng sở thích của từng thành viên trong gia đình, từ giờ giấc ăn ngủ đến khẩu vị, giải trí... nên chị không cảm thấy mệt mỏi khi phải chiều theo ý thích của từng người. Bố chồng chị bị tiểu đường lâu năm, sống chung với thuốc nên chị chuẩn bị đồ ăn riêng cho ông. Mỗi khi ông đọc sách thì nhà phải thật yên tĩnh, chị muốn xem phim hay nghe nhạc cũng phải sử dụng tai nghe. Mẹ chồng chị kỹ tính, cầu kỳ nên món ăn nào cũng phải đậm đà gia vị. Nếu chị làm gì không vừa ý thì bà làm lại. Hoa chị mua về cắm hoặc cây cảnh chưng ở sân cho đẹp mắt, hễ bà không ưng thì bà cũng tự đi mua cây khác. Lúc đầu chị Nga cũng tự ái lắm nhưng lâu dần chị cũng quen với tính khí của mẹ chồng. Bà rất thích khẳng định vị trí của người “nội tướng” trong gia đình, không muốn con dâu lấn lướt. Biết vậy, chị Nga luôn nhẫn nhịn.

Nhưng từ ngày bố chồng mất, không khí gia đình ngày càng căng thẳng. Không hiểu ba cô em gái của chồng nói gì với mẹ mà bà luôn có ý nghĩ nếu sang tên nhà đất này cho vợ chồng chị thì bà có nguy cơ “bị đuổi ra đường” bất cứ lúc nào. Từ ngày vợ chồng chị Nga bỏ tiền ra sửa sang lại ngôi nhà cho thật khang trang thì nỗi lo của bà cụ càng hiện rõ ra mặt. Bà quyết định làm di chúc chia đều tài sản cho các con. “Tốt nhất là các con xây nhà ra ở riêng. Nhà này mai kia làm chỗ thờ tự thôi”. Chị Nga bất ngờ với quyết định của mẹ chồng nên chị vừa nói vừa nước mắt lưng tròng: “Gần hai mươi năm con về làm dâu của mẹ, không có bất cứ điều tiếng gì, tự dưng bây giờ mẹ đuổi chúng con ra ở riêng là sao?”. Mẹ chồng chị thủng thẳng: “Tôi già rồi, khó tính lắm, ở riêng cho thoải mái cả đôi bên”. Chị định cự lại: “Sao mẹ không nói sớm, chúng con vừa mất bao nhiêu tiền sửa nhà, giờ lấy đâu ra tiền để xây nhà mới?” nhưng chị kịp kiềm chế, im lặng. Cổ họng nghẹn lại, nghĩ đến công sức, tiền bạc đổ vào cái nhà này, giờ lại phải đi vay mượn để mua đất xây nhà mới, chị nẫu hết cả ruột.

Cuộc họp gia đình kéo dài cả buổi tối nhưng cũng không thay đổi được tình hình. Ba cô em chồng đều về hùa với mẹ, không đồng ý sang tên nhà đất cho vợ chồng chị Nga. Cô út còn đổng giảng: “Chẳng ai biết trước được điều gì. Báo chí, ti vi đưa tin đầy đấy thôi, hiếm gì người con đuổi mẹ ra đường”. Chồng chị Nga trừng mắt: “Cô ăn nói kiểu gì thế? Đừng có vơ đũa cả nắm. Nhà này toàn người có ăn có học cả”. Thấy chồng mặt đỏ phừng phừng, chị Nga níu áo anh: “Thôi anh ạ! Có gì không nên không phải thì anh em bảo nhau, không việc gì phải to tiếng. Mẹ và các cô đã đồng thuận thì vợ chồng con xin phép ra ở riêng”.

Nghe chị Nga tâm sự, cả phòng lặng người đi. Ai cũng cảm thông cho hoàn cảnh của chị. Mỗi người hứa sẽ giúp một tay, tìm đất, thuê thợ xây, mua nguyên vật liệu... để từ nay đến Tết, vợ chồng chị sẽ có ngôi nhà của riêng mình. Chị thấm thía câu nói của chồng: “Thôi! Đừng hóng nhà đất của cha mẹ để lại, tự tay mình làm ra thì mới bền em ạ”.

TRẦN THỊ LÀNH