90 năm MTTQ Việt Nam: Hội tụ và lan tỏa tinh thần đoàn kết toàn dân

Tin tức - Ngày đăng : 12:28, 18/11/2020

Lịch sử vẻ vang 90 năm của MTTQ Việt Nam là một dòng chảy liên tục của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.

Trong chiến tranh, sức mạnh “dời non lấp biển” của khối đại đoàn kết toàn dân đã giúp Việt Nam đánh tan kè thù, giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Khi hoà bình, lại cũng chính sức mạnh đại đoàn kết ấy đã giúp nhân dân ta vượt qua được những giai đoạn khó khăn, cam go, đầy thử thách để xây dựng kinh tế-xã hội phát triển, ổn định.

Và, nơi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ấy chính là MTTQ Việt Nam.

Hội tụ và lan tỏa tình đoàn kết


MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ vì người nghèo

Trong lịch sử 90 năm hình thành và phát triển, MTTQ luôn thực hiện tốt vai trò chủ trì trong việc phát động và tổ chức thực hiện các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Mặt trận luôn phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết và sáng tạo trong nhân dân, điều này thể hiện qua việc triển khai có hiệu quả các cuộc vận động để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vặt chất, tinh thần của nhân dân.

Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2015, với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc.

“Cuộc vận động đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, đã đem lại kết quả khá toàn diện. Đến năm 2020, cả nước có trên 60% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới,” ông Ngô Sách Thực nói.

Hằng năm, MTTQ đều có sự phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan để triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”…

Mặt trận đã trở thành cầu nối hội tụ và lan toả tinh thần đoàn kết, minh chứng cụ thể là chương trình vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế, đồng bào bị bão lũ… của MTTQ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội.

Trong 5 năm (2015-2020), hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động được 19.703 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội; vận động quỹ “Vì người nghèo” trên 4.672 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, được khám, chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường.

Đồng hành với mặt trận, các tổ chức thành viên có nhiều chương trình hoạt động, kêu gọi, vận động xã hội chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với nước, giúp đỡ đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế trong xã hội; chia sẻ, giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra và các trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng, tổ chức tốt các hoạt động cứu trợ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia chương trình ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của MTTQ Việt Nam

Đặc biệt, đến tháng 9.2020, Mặt trận đã chủ trì phát động, kêu gọi, vận động toàn dân tham gia phòng chống dịch COVID-19, ủng hộ Quỹ phòng chống COVID-19 được trên 2.000 tỷ đồng.

Giám sát và phản biện xã hội

Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã khẳng định bước phát triển mới trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Từ năm 2018, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm để thấy  rõ nội dung công việc Mặt trận chủ trì và những việc 5 đoàn thể chính trị- xã hội chủ trì.

Công tác giám sát và phản biện xã hội  trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội. MTTQ đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai 12 chương trình giám sát cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực: chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…

“Trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ góp ý, phản biện xã hội, cùng với giám sát và thông qua các hoạt động của Mặt trận để tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật; hàng năm, góp ý trên 30 văn bản pháp luật,” ông Ngô Sách Thực cho hay.

Ở các địa phương, những chủ trương lớn, cơ chế, chính sách liên quan thiết thực đến số đông người dân đều lấy ý kiến hoặc phản biện xã hội của MTTQ trước khi quyết định. Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó và nhạy cảm như bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển... đã được Mặt trận các cấp giám sát có hiệu quả.

Mặt trận phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trò chuyện cùng bà con đồng bào dân tộc thôn Đồng Mà, xã Trung Yên huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tại Ngày hội đại đoàn kết

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới của đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi đan xen với không ít thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra những vấn đề mới trong phát triển đất nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đạt được những thành quả to lớn, nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, MTTQ Việt Nam phải không ngừng đổi mới về mọi mặt, nhất là phương thức hoạt động, khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị. MTTQ Việt Nam cần tập trung làm tốt vai trò của mình với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu; phát huy hiệu quả chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Mặt trận phải thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, dựa vào nhân dân để tham gia xây dựng Đảng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, củng cố và phát huy thế trận lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới,” Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.


MTTQ Việt Nam là kênh thông tin quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến đại hội đảng bộ các cấp

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam, lịch sử 90 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, là hành trang để MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới, mở rộng, thực hiện tốt sứ mệnh của mình trên con đường phát triển của đất nước.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam nhận định, trong thời gian tới hoạt động của Mặt trận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt về phương thức hoạt động. Măt trận kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao cảnh giác, chủ động phòng và đấu tranh chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Đặc biệt, cần xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động, uy tín của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt.

Mặt trận chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân hành động yêu nước, là “chỗ dựa” của nhân dân khi nhân dân cần được bảo vệ. Do đó, mặt trận cần hướng mạnh về cơ sở, nhất là địa bàn khu dân cư, phát huy sự năng động, sáng tạo của Mặt trận các cấp. Cán bộ Mặt trận cần gắn bó, sâu sát với nhân dân để lắng nghe và phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ủy ban Mặt trận các cấp phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

“Lịch sử vẻ vang 90 năm của Mặt trận Dân tộc thống nhất là một dòng chảy liên tục của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết trong tổ chức Mặt trận tạo nên những kỳ tích vĩ đại, làm rạng rỡ non sông. Đó là tiền đề để chúng ta chung sức, chung lòng viết tiếp những trang sử vàng từ một triết lý lịch sử: ‘Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công’”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Theo TTXVN