Giáo dục theo cách nhân văn

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:21, 19/11/2020

Bỏ quy định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường được ví von là cuộc cách mạng giáo dục hướng đến sự trưởng thành cả tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho học sinh...

Trước năm học 2020-2021, theo Thông tư số 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn. 

Từ ngày 1.11 Thông tư số 32 bắt đầu có hiệu lực, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác. Như vậy, quy định mới đã bỏ hình thức xử lý kỷ luật phê bình trước lớp, trước trường, thay vào đó bổ sung hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp học sinh khắc phục khuyết điểm.

Quy định này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục cũng như giáo viên bởi tính nhân văn, phù hợp với môi trường giáo dục hiện đại. Bởi nhiều người cho rằng học sinh sau khi nhận những hình thức phê bình trước lớp, trước trường dễ bị ảnh hưởng xấu đến tâm lý dẫn đến thiếu tự tin, thậm chí trầm cảm. Nhiều giáo viên cho rằng phê bình học sinh trước lớp hoặc trước toàn trường theo quy định cũ là phản giáo dục và phản tác dụng. Việc đó giống như đưa học sinh ra để đấu tố. 

Song cũng có những ý kiến trái chiều. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ rõ câu chuyện về một giáo viên tại Hà Nội đã yêu cầu học sinh quỳ trước lớp sau khi áp dụng nhiều biện pháp giáo dục không thành. Thời điểm đó, dư luận dấy lên quan điểm “quỳ không chết, con hư mới chết”. Không phải vô cớ mà người thầy bắt học sinh phải chịu phạt. Phần lớn nguyên nhân đến từ phía học sinh do quậy phá, lười học, vi phạm đạo đức… 

Nếu đứng trên góc độ “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, một lời phê bình có những lúc hơn vạn lời khen. Nếu giáo viên chỉ khuyên nhủ, nhắc nhở trong khi học sinh vẫn vi phạm thì chẳng phải sẽ khiến học sinh càng thêm chai lỳ với những vi phạm của mình sao? Vi phạm cùng lắm sẽ chỉ bị nhắc nhở sẽ khiến mức độ vi phạm ngày càng tăng, thậm chí học sinh khác có thể bắt chước vì nghĩ sẽ không sao, dần hình thành tâm lý ỷ lại, ngang bướng. Phê bình là cần thiết. Nhưng phê bình đúng lúc, đúng chỗ mới giúp học sinh biết khuyết điểm của mình, từ đó sửa đổi chứ không phải làm nhục học sinh.

Nhớ một thời, mỗi sáng chào cờ đầu tuần, học sinh mắc lỗi phải chịu phạt dưới cờ trước toàn trường, hay cái thời trong giờ học nói chuyện riêng sẽ “ăn nguyên viên phấn vào mặt”… Đó sẽ chỉ là ký ức mà kể từ tháng 11 này không còn nữa. Không ai muốn đề cao tác dụng của những hình phạt, càng không có bậc cha mẹ hay thầy cô nào lại muốn thiên về roi vọt với con cái, với học trò của mình. Bởi tất cả đều biết rằng đó chỉ là phương tiện thứ yếu trong giáo dục, là việc làm bất đắc dĩ. 

Bỏ quy định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường được ví von là cuộc cách mạng giáo dục hướng đến sự trưởng thành cả kiến thức, tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho học sinh; loại bỏ những hành vi tiêu cực như chán ghét trường lớp, thầy cô, xa lánh bạn bè vì xấu hổ, mặc cảm mỗi khi bị bêu tên trước lớp, trước trường.

LÊ TRẦN