Thắp lên hy vọng cho người nhiễm HIV/AIDS
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:12, 22/11/2020
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS
Có giai đoạn, những người nhiễm HIV/AIDS không chỉ đối mặt với nỗi đau bệnh tật mà còn chịu sự kỳ thị không nhỏ từ phía cộng đồng. Nhưng với nhiều chính sách thiết thực được triển khai trong nhiều năm qua, người nhiễm HIV/AIDS đã nhận được sự chăm sóc tốt hơn, mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng.
"Phao cứu sinh" cho người bệnh
Trước đây từng có thời điểm người nhiễm HIV/AIDS coi như đối mặt với bản án tử hình. Mặc dù vậy, cùng với sự tiến bộ của khoa học, ngành y khoa đã áp dụng thành công nhóm thuốc kháng virus (thuốc ARV) giúp người nhiễm HIV/AIDS có thể kiểm soát tình trạng bệnh và sống khỏe mạnh, duy trì tuổi thọ như người bình thường. Thời gian qua, thông qua hoạt động của các dự án, người bệnh được tài trợ miễn phí thuốc ARV.
Hải Dương hiện có hơn 1.700 người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý còn sống. Khoảng 90% được điều trị bằng thuốc ARV. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở y tế điều trị, cung cấp thuốc ARV cho người bệnh gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh. Thuốc ARV do các đơn vị cung cấp theo nguồn hỗ trợ miễn phí. Theo lộ trình, trong các năm 2020-2021, nguồn hỗ trợ thuốc ARV ở tỉnh ta không còn. Người bệnh không thể mua thuốc ARV ngoài thị trường. Vì vậy, thuốc ARV được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cho người bệnh có ý nghĩa lớn. Tùy theo nhóm đối tượng khác nhau, BHYT thanh toán từ 80-100% chi phí thuốc. Trung tâm Y tế TP Chí Linh đã điều trị ARV thanh toán từ nguồn BHYT. Từ năm 2021, tất cả các cơ sở điều trị ARV trong tỉnh sẽ triển khai điều trị ARV thanh toán từ nguồn BHYT.
Anh N.X.T. ở TP Hải Dương đang điều trị bệnh nấm toàn thân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Theo bệnh án, anh T. nhiễm HIV/AIDS đã khoảng 10 năm nay. Nhờ điều trị bằng thuốc ARV nên sức khỏe của anh khá ổn định. Có thời điểm anh T. vẫn lao động như người bình thường. Thỉnh thoảng có một số bệnh thông thường khởi phát nên anh T. mới phải vào bệnh viện điều trị. "Nhờ được hỗ trợ thuốc ARV và BHYT hỗ trợ thanh toán các loại thuốc chữa bệnh khác nên tôi mới duy trì được sức khỏe như thế này. Vì nhiễm HIV/AIDS nên gia đình tôi đã không còn trọn vẹn. Cuộc sống của tôi giờ phụ thuộc vào mẹ già. Nếu không được hỗ trợ điều trị lâu dài thì chắc chắn tôi sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì sự sống", anh T. nói.
Bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết thuốc ARV được BHYT thanh toán cho bệnh nhân HIV/AIDS có ý nghĩa lớn, mang tính bền vững trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bởi các dự án hỗ trợ thường chỉ triển khai trong một thời gian, sau đó sẽ dừng lại. BHYT sẽ đồng hành cùng người bệnh đến suốt cuộc đời, giống như "phao cứu sinh" cho họ. Ngoài thanh toán thuốc ARV, BHYT còn hỗ trợ khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...
Hạn chế ảnh hưởng tới thế hệ sau
Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay (từ ngày 10.11 - 10.12) là "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam". Để tiến đến mục tiêu này, suốt thời gian qua, Hải Dương luôn tích cực triển khai các biện pháp can thiệp điều trị, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS. Cùng với triển khai hỗ trợ điều trị thuốc ARV nêu trên, tỉnh đã thực hiện tốt hầu hết các chương trình, dự án cho hoạt động chăm sóc bệnh nhân. Điển hình như chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ có từ 25 - 40 em nhiễm căn bệnh này. Nếu được điều trị dự phòng sớm thì chỉ có dưới 5 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Hải Dương đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ năm 2008. Hàng trăm trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ đã được điều trị tốt, mang lại nhiều cơ hội cho các bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV muốn sinh con. Nhờ phương pháp can thiệp kịp thời, tích cực nên Hải Dương đã đạt được kết quả tốt hơn so với dự đoán. Hiện tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta chỉ còn dưới 2%.
Mang thai đến tháng thứ tư, chị Đ.T.Q. ở huyện Ninh Giang phát hiện bị nấm toàn thân. Đến cơ sở y tế khám, chị Q. mới biết mình dương tính với HIV/AIDS. Lúc nghe bác sĩ thông báo, chị Q. đã ngã quỵ, chủ yếu vì thương đứa con trong bụng cũng phải chịu chung cảnh bệnh tật với mẹ từ khi chưa chào đời. Nhưng rồi hy vọng đã đến với chị Q. khi chị được các bác sĩ tận tình hướng dẫn, chăm sóc miễn phí theo chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hằng tháng, chị Q. được điều trị dự phòng. Cháu bé được chỉ định sinh theo phương pháp mổ đẻ để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm. Kết quả âm tính với HIV của cháu bé khi sinh ra mang đến niềm vui khôn tả cho gia đình chị Q. Đến nay, cháu đã được hơn 1 tuổi, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
Thời gian qua, Hải Dương cũng đã quan tâm tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân đối với HIV/AIDS. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tư vấn về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho hơn 24.000 lượt người; các xã, phường, thị trấn đều triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại của HIV; tất cả những người phơi nhiễm HIV đều được tiếp cận và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV...
THANH NGA