Thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ mới qua đời

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 16:13, 22/11/2020

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, người cuối cùng của phong trào Thơ mới, vừa qua đời sáng 22.11, hưởng thọ 100 tuổi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ mới cuối cùng đã vĩnh biệt chúng ta sáng 22.11.2020, tang lễ tổ chức ngày 27.11 tới... May sao tôi còn kịp đến thăm bác trong phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Xô cách đây 3 ngày".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng viết: "Lại có tin nhà văn Đoàn Tử Huyến cũng vừa mất. Nhà văn đi nhiều quá, những mất mát không gì bù đắp được". 

Thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ mới qua đời  - 1
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh

Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt. Năm 1949, ông công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc; chủ bút tờ báo “Sáng tạo”; Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam (1950-1957). Năm 1957, tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, ông giữ cương vị Phó Tổng thư ký (nhà văn Tô Hoài là Tổng Thư ký); Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa I, II, III; Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ (1966-1975).

Thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ mới qua đời  - 2
   Các nhà văn đi kháng chiến, hàng đứng từ trái sang: Nguyễn Đỗ Cung, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài. Hàng ngồi từ trái sang: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao

Nguyễn Xuân Sanh nối tiếng với các tác phẩm văn xuôi như Anh hùng Trần Đại Nghĩa (1953), là tác giả của nhiều tập thơ: Chiếc bong bóng hồng (1957), Tiếng hát quê ta (1958), Nghe bước xuân về (1961), Quê biển (1966), Đảo dưa đỏ (1974), Đất nước và Lời ca (1978), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1991), Một vườn thơ năm châu (1997), thơ văn xuôi Đất thơm (viết 1940-1945, in 1995).

Ông là dịch giả thơ cho nhiều nhà thơ các nước Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Rumani, Bungary... Tiêu biểu có: Thơ Victo Huygo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (3 tập, 1989-1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tômax Tranxtrômer (1995)…

Nguyễn Xuân Sanh nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001), Giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam (1951-1952) cho tác phẩm Anh hùng Trần Đại Nghĩa – Giải thưởng tôn vinh các nhà văn viết về anh hùng và chiến sĩ thi đua. Năm 1982, ông được nhà nước Ba Lan tặng Huân chương Công trạng.

Nguyễn Xuân Sanh là nhà thơ rất độc đáo. Năm 1939, ông cùng Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Phú Thứ thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6 năm 1942, nhóm in tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.

Trong tuyên ngôn này có đoạn viết: “Thơ là Đạo, cái đệ nhất nguyên lý, sẽ sáng tạo được vạn vật, khi đã chia âm dương. Âm dương phải tương phối mới có sáng tạo, phát huy được cái Đạo nguyên thủy. Có thể viết thành cái vòng tương sinh: Đạo - Âm + Dương - Sáng tạo - Rung động  Thơ - Đạo".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận tin Nguyễn Xuân Sanh mất từ nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thốt lên: "Vĩnh biệt một thi sĩ tiên phong!". 

Theo Tiền phong