Đại Sơn giàu nhờ nuôi ba ba gai
Kinh tế - Ngày đăng : 16:05, 25/11/2020
Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Tiến Tiệp thu lãi gần 200 triệu đồng nhờ nuôi ba ba gai
Phong trào nuôi ba ba gai xuất hiện ở xã Đại Sơn cách đây khoảng 20 năm. Ban đầu, một vài hộ đem ba ba gai về nuôi thử, thấy hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ học theo. Đến nay, toàn xã có hơn 200 hộ nuôi ba ba gai với tổng diện tích 4,7 ha, tập trung ở các thôn Liêu Xá, Nghĩa Xá. Mỗi năm năng suất bình quân đạt 8,2 tấn/ha, tổng sản lượng 39 tấn.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi ba ba gai của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá cho biết trước năm 2000, ông chủ yếu nuôi giống ba ba đỏ. Trong những lần đem ba ba đi bán cho thương lái ở TP Hải Dương, ông Tuý biết được giống ba ba gai cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông bàn với vợ đầu tư hơn 10 triệu đồng mua 6 con ba ba gai giống về nuôi thử. Nuôi 3 năm, loại này đạt trọng lượng khoảng 6 kg, nếu nuôi tiếp sẽ tăng thêm từ 3 - 5 kg. Nhiều con ba ba gai nặng tới hơn 20 kg.
Theo ông Túy, ba ba gai có thịt thơm, da dày và giòn hơn hẳn các loại ba ba khác nên cho giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa thích. Mỗi năm ba ba sinh sản 3 lứa, mỗi lứa nở được khoảng 10 con giống. Với ba ba giống, ông Túy không bán mà "gột" lại để nuôi. Hiện ông đã có 21 ao nuôi ba ba với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Mỗi năm gia đình ông bán khoảng 3 tấn ba ba, với giá từ 420.000 - 450.000 đồng/kg, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Ông Túy còn nhập ba ba giống để cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ khác trong vùng.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Tiến Tiệp ở thôn Liêu Xá thả cá nhưng không hiệu quả nên cải tạo 600 m2 ao chia làm 3 bể để nuôi ba ba gai. Mỗi năm gia đình anh thu được gần 6 tạ ba ba gai, cho lãi gần 200 triệu đồng. Theo anh Tiệp, ba ba gai là loài ăn tạp nhưng thức ăn chủ yếu là ốc bươu vàng, giun… Khi cho ba ba ăn, thức ăn thừa cần được vớt lên, tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Nuôi ba ba gai rất ít dịch bệnh, thường chỉ là bệnh nấm da, dễ chữa. Điều đặc biệt là những con ba ba gai bị bệnh sẽ tự tách đàn nên dễ phát hiện.
Một số hộ nuôi trong xã và nhiều địa phương ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên liên kết với nhau thành lập Chi hội Nuôi ba ba để giúp đỡ nhau về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản cho các hộ, trong đó chú trọng truyền kinh nghiệm nuôi ba ba.
Năm 2020, xã Đại Đồng đã lựa chọn ba ba gai là sản phẩm OCOP của địa phương. Xã xây dựng đề án "Mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn xã theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2020-2025”, trong đó địa phương hướng tới mở rộng diện tích nuôi ba ba gai và xác định đây là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế.
NGHĨA AN