COVID-19: Gần 61 triệu ca nhiễm, tiếp tục lây lan tại nhiều khu vực

Tin tức - Ngày đăng : 06:01, 27/11/2020

Theo trang worldometers.info, toàn thế giới có 60.894.524 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.430.248 ca tử vong và vẫn tiếp tục lây lan tại một số khu vực khác trên thế giới.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran

Theo trang worldometers.info, tính đến 21 giờ 30 ngày 26.11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 60.894.524 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.430.248 ca tử vong, 42.183.944 ca phục hồi.

Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp vẫn là những nước chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của dịch COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tính đến chiều 26.11, châu lục này ghi nhận tổng cộng 2.106.931 ca mắc và 50.628 ca tử vong. Trong khi đó, đã có 1.781.744 bệnh nhân bình phục và xuất viện.

Cũng theo CDC châu Phi, khu vực phía Nam châu lục là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh cả về số ca mắc và số ca tử vong, tiếp đó là khu vực phía Bắc châu Phi.

Nam Phi hiện là nước có số ca mắc bệnh cao nhất với 775.502 ca cũng như ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất với 21.201 ca. Tiếp đó là Maroc với 336.506 ca mắc và 5.539 ca tử vong, Ai Cập với 114.107 ca mắc và 6.585 ca tử vong.

Dịch bệnh cũng tiếp tục lây lan tại một số khu vực khác trên thế giới. Tại Iran, Bộ Y tế công bố thêm 13.961 ca mắc mới ngày 26.11, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Trung Đông này lên 908.346 ca.

Trong khi đó, số ca tử vong tại Iran tăng thêm 482 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 46.689 ca. Tổng cộng 633.275 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh trong khi 5.849 người đang phải điều trị và chăm sóc đặc biệt.

Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Tokyo vẫn ở mức cao, với thêm 481 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. Số người mắc bệnh nặng tăng lên 60 ca, tăng so với sáu ca một ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng Năm năm nay.

Tính trên cả nước, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 135.400 ca mắc, trong đó có 2.001 ca tử vong, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess.

Tại Trung Quốc, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong thông báo đã xác nhận thêm 81 ca mắc, trong đó 75 ca lây nhiễm trong cộng đồng với 13 ca chưa rõ nguồn lây nhiễm. Đến nay, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong công bố 5.947 ca mắc, 108 ca tử vong.

Ngày 26.11, Pakistan đóng cửa các trường học và hoãn các kỳ thi nhằm kiềm chế số ca nhiễm mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và số bệnh nhân nhập viện gia tăng ở nước này.

Học sinh các cấp, kể cả trường tư, sẽ tiếp tục theo học thông qua hình thức học trực tuyến cho đến ngày 24.12, khi các trường học theo kế hoạch được nghỉ Đông cho đến ngày 11.1.2021.

Bộ trưởng Giáo dục Pakistan Shafqat Mahmood cho biết các trường học sẽ mở cửa trở lại vào ngày 11.1.2021 nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Giới chức Pakistan quyết định đóng cửa trường học sau khi tỉ lệ xét nghiêm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã tăng tới 7,41% trong tuần này từ mức thấp 1,7% hồi tháng Chín. Hơn 19% số ca nhiễm mới là từ các cơ sở giáo dục, nơi có tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng gần gấp đôi trong một tuần, lên tới 3,3%.

Pakistan đã đóng cửa các cơ sở giáo dục từ tháng 3-9 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Học sinh học bài thông qua các bài giảng được phát sóng trên đài phát thanh hay truyền hình của nhà nước.

Đến nay, quốc gia Nam Á này không áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc mà thay vào đó cấm các cuộc tụ tập nơi công cộng để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Rotterdam, Hà Lan

Tại Hà Lan, số liệu công bố cùng ngày 26.11 cho thấy số ca mắc bệnh tại nước này đã vượt 500.000 ca.

Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận thêm 4.470 ca mắc, giảm nhẹ so với một ngày trước, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 503.123 ca.

Hà Lan là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại châu Âu.

Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xuất hiện ở phố Downing, 11 ngày sau khi thực hiện cách ly do từng gặp một nghị sỹ mắc COVID-19.

Cùng ngày, giới chức Hy Lạp thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa trên toàn quốc tới ngày 7.12 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng mạnh.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas nêu rõ: "Hiện nay, chúng tôi đang gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh cho đến 6h (giờ địa phương) ngày 7.12."

Kể từ cuối tháng 10, số ca tử vong trong ngày do COVID-19 tại Hy Lạp đã tăng gấp 4 lần với một số ngày ghi nhận có 50 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm mới tăng gấp đôi lên tới khoảng 3.000 ca/ngày.

Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế và ban hành lệnh phong tỏa lần thứ hai trên toàn quốc kéo dài đến ngày 30.11, trong đó có một lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ngoại trừ lý do thiết yếu như công việc hay vấn đề về sức khỏe.

Cho đến nay, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 97.288 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.902 ca tử vong, với miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nhất và các bệnh viện hoạt động gần hết công suất.

Theo Vietnam+