Chấm dứt bạo lực với phụ nữ
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:36, 01/12/2020
Xe tuyên truyền lưu động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh
Những ngày này, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (diễn ra từ ngày 15.11 đến 15.12) với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em".
Thực tế, việc phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trong đời sống hằng ngày không phải là chuyện mới và vẫn đang tiếp diễn. Theo số liệu do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khảo sát gần đây nhất về bạo lực giới ở nước ta thì có tới 58% số phụ nữ sau khi kết hôn đã từng bị bạo hành. Đáng nói trong số này có tới 87% số phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất hoặc tình dục không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tư pháp hoặc các dịch vụ thiết yếu khác và chỉ có 43% số vụ bạo lực gia đình được trình báo cơ quan có thẩm quyền.
Tại sao số phụ nữ bị chồng bạo hành không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ lại chiếm tỷ lệ cao như vậy? Đó là do tư tưởng "xấu chàng hổ ai" đã ăn sâu vào tiềm thức bấy lâu của bao thế hệ phụ nữ Việt. Nhiều người cho rằng việc bị chồng bạo hành không có gì tốt đẹp, nói ra ngoài, người chồng mang tiếng xấu bao nhiêu thì người vợ cũng đáng xấu hổ bấy nhiêu. Có người lại coi hành động này là việc riêng của gia đình, nói ra thì cũng không ai giải quyết được. Vì thế họ âm thầm chịu đựng những bạo hành do chồng gây nên từ ngày này qua ngày khác. Thậm chí nhiều phụ nữ mang thai vẫn bị chồng bạo hành. Điều này rất nguy hiểm không chỉ đối với phụ nữ mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa bé đang trong bụng mẹ.
Còn có một thực trạng đáng buồn nữa là có nhiều phụ nữ bị bạo hành nhưng không biết là mình bị bạo hành. Đó là những phụ nữ bị bạo hành về tình dục, mang thai ngoài ý muốn. Ở nước ta nói chung, Hải Dương nói riêng, nhiều người vẫn còn nặng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ". Nhiều năm trở lại đây, nước ta áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có 1-2 con. Với mô hình ít con như vậy nên áp lực sinh con trai để "nối dõi tông đường" luôn thường trực đối với nhiều gia đình. Để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của gia đình chồng, nhiều phụ nữ rơi vào cảnh bắt buộc phải sinh con trai. Nhiều người phải tìm đến các biện pháp can thiệp để có con trai. Trong đó có cả biện pháp nạo, phá thai khi đã biết giới tính đứa trẻ. Có người buộc phải sinh đến con thứ 3 trở lên dù bản thân không tự nguyện. Đây đều là những hình thức bạo lực giới, bạo lực đối với phụ nữ.
Để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em như chủ đề của Tháng hành động, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bản thân mỗi phụ nữ phải chủ động lên tiếng để bảo vệ mình. Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, nạn nhân của bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định. Ngành dân số cùng các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền để phụ nữ nhận thức đúng về bạo lực gia đình, hiểu đầy đủ quyền lợi của mình để dám lên tiếng bảo vệ bản thân, chấm dứt bạo lực, bảo đảm sự bình đẳng trong cuộc sống.
NGỌC THANH