Bưu tá thời nay
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:36, 13/12/2020
Từ sáng sớm nhân viên bưu tá đã có mặt tại nơi làm việc để kiểm đếm bưu phẩm
Khó khăn, vất vả nhưng nhiều nhân viên bưu tá vẫn quyết bám trụ với nghề. Niềm vui của họ là đưa tin, gửi quà... tới mọi nhà, mọi người kịp thời, nhanh chóng.
"Ma trận" địa chỉ
4 giờ sáng, giữa cái rét căm căm, hàng chục nhân viên bưu tá đã có mặt tại Trung tâm Khai thác vận chuyển TP Hải Dương (Bưu điện tỉnh) để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Từng kiện hàng lớn nhỏ trên ô tô nhanh chóng được vận chuyển xuống băng chuyền. Để bảo đảm công việc giao nhận thuận tiện, nhanh chóng và hạn chế thấp nhất sai sót, các nhân viên bưu tá phải sắp xếp, phân loại bưu phẩm theo lịch trình di chuyển. Khối lượng công việc này rất lớn. Anh Nguyễn Đức Đông có hơn 10 năm gắn bó với nghề bưu tá cho biết: "Mỗi ngày tôi phải giao nhận hàng trăm bưu phẩm nên phải đến trung tâm từ 5 giờ sáng để kiểm đếm. Do địa bàn được phân công phụ trách rộng nên việc sắp xếp các bưu phẩm rất mất thời gian".
Khu vực anh Đông phụ trách có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu tập thể… nên số lượng thư từ, công văn, báo chí phải đưa rất nhiều. Để giao hàng thuận lợi, anh Đông ghi rất cụ thể, chi tiết từng địa chỉ của khách hàng vào trong cuốn sổ nhỏ. Đường Nguyễn Lương Bằng 16 điểm dừng, đường Nguyễn Thị Duệ 17 điểm, đường Ngô Quyền 9 điểm… Sau khi chia thư từ, báo chí theo từng tuyến, anh Đông nhanh chóng xếp gọn vào giỏ theo thứ tự đã vạch sẵn.
Trời rạng sáng cũng là lúc các nhân viên bưu tá với bộ trang phục màu vàng như những con ong chăm chỉ tỏa đi khắp nẻo đường để giao bưu phẩm. Hoà mình vào dòng người đang hối hả ngược xuôi, anh Đông hướng chiếc xe máy cũ kỹ di chuyển về khu đô thị phía tây TP Hải Dương. Ngoài trời gió rét kèm theo mưa nhỏ khiến cái lạnh càng thêm thấu da. Chỉ về phía khu dân cư đông đúc trước mặt, anh Đông bảo: "Địa bàn do tôi phụ trách rất rộng, đường to, lối nhỏ chằng chịt như mạng nhện làm cho công việc giao bưu phẩm, thư từ, báo chí... khó khăn hơn. Mặc dù có thâm niên lâu năm trong nghề nhưng nhiều lúc tôi vẫn lạc giữa "ma trận" địa chỉ nhà".
Nhân viên Trung tâm Khai thác vận chuyển TP Hải Dương kiểm tra thông tin bưu phẩm trên hệ thống điện tử
Công việc của bưu tá sẽ giảm bớt gánh nặng nếu người gửi bưu phẩm ghi đúng địa chỉ của người nhận. Quá trình đô thị hóa nhanh nên nhiều khu dân cư vẫn chưa có tên đường, số nhà, hoặc trùng số, trùng ngõ… khá nhiều. Ở những khu dân cư mới chưa có số nhà, tên đường, người dân phải dùng địa chỉ theo số lô. Đối với những trường hợp như vậy, nhân viên bưu tá rất vất vả mới tìm được địa chỉ nhà. Công văn của các cơ quan nhà nước thường căn cứ theo địa chỉ tại sổ đăng ký hộ khẩu được cấp từ lâu. Đến thời điểm này, một số địa chỉ đã thay đổi nên số lượng bưu phẩm không có địa chỉ cụ thể ngày càng nhiều, làm cho công việc của các nhân viên bưu tá càng thêm áp lực. Nhân viên bưu tá phải tự tìm hiểu hoặc phải nhờ sự trợ giúp của người dân. “Địa bàn nào mới, chúng tôi chưa biết thì phải đi trước dò đường mấy ngày, nhưng khổ nhất vẫn là những địa bàn mà số nhà cứ nhảy cóc lung tung hoặc nhà không số, phố không tên. Nhiều lúc, trời đã tối mịt nhưng vẫn còn sót một lá thư chúng tôi cũng phải cố tìm kiếm địa chỉ để giao. Kể ai cũng cẩn thận ghi thêm cả số điện thoại người nhận thì chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn”, anh Đông chia sẻ.
Giao bưu phẩm tại những nhà cao tầng cũng là vấn đề nan giải đối với bưu tá vì những nơi này thường không có thùng thư bưu chính. Để hoàn thành công việc, họ phải leo lên từng tầng, từng phòng, vừa mất sức vì phải leo cầu thang bộ, trong khi cả một đống bưu phẩm để dưới xe không ai trông coi. Mặc dù đã có nhiều năm trong nghề nhưng vẫn có lúc anh Đông giao bưu phẩm chậm vì không thể tìm được địa chỉ nhà làm khách hàng phàn nàn. “Việc ghi thiếu địa chỉ hoặc thông tin địa chỉ không chính xác cũng là nguyên nhân gây khiếu nại mỗi khi thư, báo tới chậm hoặc không phát được. Trách nhiệm đầu tiên sẽ bị quy cho bưu tá, chứ không ai nghĩ đến phần lớn những lỗi này thuộc về người gửi thư”, anh Đông ngậm ngùi.
Trăn trở với nghề
Một lần khác, tôi có dịp theo anh Lê Văn Dũng, nhân viên bưu tá của Bưu điện TP Chí Linh đi giao bưu phẩm. Ngược theo quốc lộ 37 khoảng 12 km, chúng tôi đến xã Lê Lợi. Xa xa, dãy Ngũ Nhạc hùng vĩ dần dần hiện ra. Điểm giao lần này là nhà một cán bộ hưu trí ở thôn An Mô cách trung tâm xã gần 10 km. “Giờ đường sá, phương tiện hiện đại nên đi giao bưu phẩm cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây, trung bình ngày nào tôi cũng đạp xe hơn 40 km đường sỏi đá, chông chênh để đưa thư”, anh Dũng kể.
Mỗi ngày anh Lê Văn Dũng phải di chuyển từ 30-40 km để giao bưu phẩm
Xe anh Dũng vừa dừng lại trước cổng một nhà dân, từ trong đã có tiếng đàn ông vọng ra: “Để tôi ra mở cửa cho chú. Tôi chờ bưu phẩm mấy hôm nay”. Nhận bưu phẩm, ông Lương Quang Biên rất phấn khởi vì đó là những món quà mà người thân của ông ở xa gửi về. Ông Biên cho biết: “Dù trời nắng như đổ lửa hay mưa dầm, gió rét, hễ có thư là anh Dũng điện trước cho tôi mừng. Hơn 5 năm nhận bưu phẩm từ anh mà chưa một lần trễ hẹn”.
Mười mấy năm trong nghề, anh Dũng chưa hề nghỉ phép. Lúc chưa đi làm, anh nghĩ đưa thư là công việc đơn giản nhưng đến khi vào việc mới thấy công việc thật áp lực. Nhưng khi thấy niềm vui của những người nhận được tin, quà của người thân, anh Dũng cảm thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Đi cùng các anh, tôi mới nhận ra điều làm cho nhân viên bưu tá lo sợ nhất không phải là sự vất vả mà là bệnh nghề nghiệp. Vì tính chất công việc suốt ngày chạy ngoài đường, gió mưa, nắng gắt, bụi mịt mù nên họ rất dễ bị bệnh hô hấp và tai nạn giao thông.
Do đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nên nhân viên bưu tá không chỉ có năng lực, khả năng xử lý tình huống mà còn phải có sức khỏe. Việc gặp phải khách hàng khó tính đòi hỏi nhân viên bưu tá phải khéo léo, kiên trì. Nhiều khách hàng khi nhận bưu phẩm còn yêu cầu mở bao bì, kiểm tra chất lượng hàng. Những trường hợp này, bưu tá phải kiên nhẫn giải thích để họ hiểu nguyên tắc là bưu phẩm được giao phải bảo đảm niêm phong, đóng kín. Hay khi hộp bao bì đóng ngoài bị méo mó do trong quá trình vận chuyển, nhân viên bưu tá phải trực tiếp đứng ra xin lỗi và giải thích rõ ràng.
Công việc của người bưu tá là không quản khó khăn, vất vả, miễn sao bưu phẩm đến tay người nhận trong thời gian nhanh nhất. Anh Dũng cho biết: "Trung bình mỗi nhân viên bưu tá phải dừng trên dưới 200 điểm và di chuyển liên tục hàng chục cây số mỗi ngày. Thế nên, buổi sáng mọi người thường đến sớm hơn giờ quy định. Có người đến từ lúc 3 giờ sáng mà công việc có khi đến chiều tối mới xong. Ăn cơm bụi là chuyện thường ngày. Thế nhưng không phải ai cũng biết, cũng hiểu mà thông cảm cho. Nghề làm dâu trăm họ mà chú”.
Chúng tôi quay lại Bưu điện TP Chí Linh dù đã muộn nhưng một số anh em trong Tổ Bưu tá vẫn cặm cụi ngồi phân chia, sắp xếp công văn, báo chí, bưu phẩm mới được chuyển đến. Theo các nhân viên trong Tổ Bưu tá thì đây là đợt giao bưu phẩm lần 2 và trước 17 giờ khách hàng sẽ có bưu phẩm nhận trong ngày. Mặc dù số lượng chuyển phát ít hơn TP Hải Dương, nhưng địa bàn TP Chí Linh rộng. Có điểm phải đi tới 30 - 40 km mới đến như các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi... “Cực nhất là những hôm trời mưa, đường trơn dốc trượt, khi đến nơi thì khách hàng đi vắng, đành phải mất công đi về”, một nhân viên bưu tá tại Bưu điện TP Chí Linh chia sẻ.
Hơn 20 năm gắn bó với ngành bưu điện, chị Nguyễn Thị Quế Anh, Giám đốc Bưu điện TP Chí Linh đã chứng kiến nhiều anh em bỏ nghề giữa chừng vì áp lực công việc. “Có giai đoạn ngành bưu điện gặp khó khăn, khủng hoảng trầm trọng làm một số điểm bưu điện văn hóa xã rơi vào cảnh đìu hiu. Không có nguồn thu nhập ổn định nên nhiều người bỏ nghề để kiếm việc làm khác. Những năm gần đây, lãnh đạo đơn vị đã đưa ra những chính sách hợp lý giúp ngành bưu điện dần khôi phục lại vị thế vốn có trước đây”, chị Quế Anh cho biết.
Hiện nay, yêu cầu của khách hàng ngày một cao, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên và phạm vi phục vụ ngày càng đa dạng hơn trước. Lượng khách hàng tăng nên các nhân viên bưu tá phải tận dụng ngày nghỉ cuối tuần để làm việc, từ đó thu nhập của nhân viên bưu tá ngày càng được cải thiện, tương xứng với những cố gắng họ đã bỏ ra.
ÐỖ QUYẾT