Oanh tạc cơ, chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ đến Biển Đông ''thử lửa''

Thế giới - Ngày đăng : 14:20, 13/12/2020

Các tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ xuất kích từ lãnh thổ chính đã bảo vệ các máy bay B-1B trên đảo Guam. Trước khi phối hợp với biên đội tiêm kích, hai máy bay B-1B đã đến Biển Đông ''thử vũ khí tầm xa''.


Các máy bay B-1B tại căn cứ Andersen trước giờ làm nhiệm vụ huấn luyện ngày 10.12. Ảnh: US AIR FORCE

Bộ Tư lệnh không quân Thái Bình Dương (Mỹ) xác nhận cuộc diễn tập phối hợp độc đáo trên vừa diễn ra hôm 10.12 và cung cấp thêm một số hình ảnh những ngày sau đó.

Tham gia cuộc diễn tập này có một chiếc B-1B Lancer cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam thuộc Mỹ, một oanh tạc cơ từ phi đội ném bom viễn chinh số 37 đóng tại bang South Dakota.

Hai chiếc tiêm kích F-22 Raptor thuộc phi đội máy bay chiến đấu số 94 đặt tại Căn cứ Liên hợp Langley - Eustis bang Virginia được huy động giữ vai trò máy bay phản ứng nhanh.

Đáng chú ý, theo Bộ tư lệnh không quân Thái Bình Dương, trước khi phối hợp với biên đội F-22, các máy bay ném bom B-1B đã bay đến Biển Đông "bắn thử vũ khí tấn công tầm xa loại huấn luyện".


Máy bay B-1B thuộc Phi đội 37 đóng tại South Dakota bay qua căn cứ Andersen như chào tạm biệt sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện trên Biển Đông. Ảnh: US AIR FORCE

Theo chỉ huy biên đội F-22, nhiệm vụ của cuộc huấn luyện lần này là "kiểm tra năng lực cảnh báo và khả năng sẵn sàng của căn cứ Andersen trước các mối đe dọa tương xứng và không tương xứng".

Trong cuộc diễn tập, các máy bay tàng hình F-22 của Mỹ đóng vai trò như máy bay đánh chặn mối đe dọa và bảo vệ đội hình oanh tạc cơ. Vị chỉ huy biên đội F-22 không nói rõ các mối đe dọa cũng như tình huống giả định là gì. Giới quan sát quân sự nhận định nhiều khả năng kịch bản là Mỹ sơ tán các máy bay chiến lược và đáp trả kẻ tấn công.

Căn cứ Andersen đặt trên đảo Guam, một trong những mắt xích trong chiến lược "Chuỗi đảo thứ hai" mà Mỹ đề ra nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương. Các báo cáo trình lên quốc hội của Lầu Năm Góc đã nhiều lần cảnh báo sự phát triển của tên lửa đạn đạo Trung Quốc đang đặt Guam và các căn cứ Mỹ ở châu Á trong tầm bắn.

Truyền thông Trung Quốc, điển hình như Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh, đã tung hô các tên lửa đạn đạo như DF-26 là "sát thủ diệt Guam", ám chỉ tầm bắn của tên lửa này có thể vươn tới căn cứ Andersen của Mỹ.


Tiêm kích F-22 Raptor di chuyển tại căn cứ Andersen ngày 10.12. Ảnh: US AIR FORCE

Trước các mối đe dọa mới, Mỹ đã chấm dứt sự hiện diện thường trực của máy bay ném bom B-52 và B-1B tại Guam vì cho rằng điều này chẳng khác gì "lạy ông tôi ở bụi này". Thay vào đó, Mỹ liên tục tiến hành các đợt huấn luyện, huy động máy bay từ lãnh thổ chính bay đến châu Á diễn tập trong thời gian ngắn.

"Các sứ mệnh này cho thấy quyết tâm cũng như các cam kết của chúng tôi với các nước đồng minh trong khu vực. Điều này cũng cho thấy các máy bay ném bom của Mỹ đủ sức hoạt động toàn cầu", sĩ quan Lincoln Coleman thuộc phi đội ném bom viễn chinh số 37 nhấn mạnh.


Máy bay ném bom B-1B thuộc Phi đội ném bom viễn chinh số 37 ở South Dakota cất cánh tới đảo Guam tháng 7.2020. Ảnh: US AIR FORCE

Theo Tuổi trẻ