Cán bộ đài truyền thanh xã không thiết tha với công việc vì phụ cấp thấp
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:00, 14/12/2020
Chị Cao Thị Thoa, Đài truyền thanh xã Thanh Xá (Thanh Hà) tranh thủ thời gian ở nhà để tổng hợp tin, bài trên báo chí thành chuyên mục phát thanh
Trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, các ĐTTCX đã tích cực tham gia tuyên truyền giúp người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác và loại bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng ngày, cán bộ trực đài phải đến từ trước 5 giờ sáng, không quản ngại những ngày mưa bão hoặc giá rét. Họ phải trực đêm, trực vào ngày nghỉ cuối tuần và cả lễ Tết, xây dựng nội dung và phát sóng tuyên truyền vào bất cứ thời điểm nào nếu có nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất. Thế nhưng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở các ĐTTCX đang ở mức thấp.
Theo Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND ngày 25.7.2020 của HĐND tỉnh có hiệu lực từ ngày 4.8.2020, cán bộ ở ĐTTCX hưởng phụ cấp theo hệ số nhân với mức lương cơ sở và phân chia theo các xã loại I, II, III. Trưởng đài ở cấp xã loại I hưởng phụ cấp hệ số 1.1, xã loại II là 0.9 và xã loại III là 0.7. Phó đài cấp xã loại I hưởng phụ cấp hệ số 0.9, cấp xã loại II là 0.8 và cấp xã loại III là 0.6. Theo hệ số này, trưởng đài truyền thanh ở các xã loại III hưởng phụ cấp chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, trừ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế còn hơn 900.000 đồng/tháng, chỉ bằng thu nhập của vài ngày làm thêm bên ngoài. Việc chia hệ số phụ cấp theo các cấp xã cũng khiến nhiều người chưa thấy thỏa đáng bởi thời gian và công việc ở các đài xã tương đương nhau.
Phụ cấp thấp khiến chị Nguyễn Thị Đông, trưởng đài truyền thanh xã Việt Hồng (Thanh Hà) phải xin nghỉ. Mặc dù có thêm khoản phụ cấp kiêm nhiệm khác nhưng cả tháng cũng chỉ có hơn 1,7 triệu đồng. Chị Đông chia sẻ: "Tôi đã viết đơn xin làm đến hết tháng 1.2021 là nghỉ để đi làm công việc khác. Gắn bó hơn 20 năm với đài truyền thanh của xã, tôi thực sự tâm huyết và rất yêu nghề nhưng không thể nào theo được nữa vì thu nhập thấp".
Chị Nguyễn Thị Đông, Đài truyền thanh xã Việt Hồng (Thanh Hà) xin làm việc đến hết tháng 1.2021 là nghỉ việc ở đài truyền thanh xã
Cũng vì phụ cấp thấp mà chị Cao Thị Thoa ở đài truyền thanh xã Thanh Xá (Thanh Hà) đang rất nản lòng. Dù đã gắn bó với công việc gần 24 năm nay, nhưng nỗi lo kinh tế khiến chị không còn động lực chăm chút tỉ mỉ cho các chương trình tuyên truyền.
Đây cũng là tâm tư chung của nhiều cán bộ không chuyên trách ở các ĐTTCX trên địa bàn tỉnh. Nhiều người đã nghỉ và không dễ để tìm được người thay thế có năng lực phù hợp. Như ở xã Tân Tiến (Gia Lộc), trưởng đài trước đây đã nghỉ hơn 1 năm nay, vị trí này đang do chị Đoàn Thị Thim là Phó chủ tịch HĐND xã kiêm nhiệm. Chị Thim chia sẻ: “Phụ cấp thấp nên rất khó tìm được người tham gia làm ở đài xã. Tôi đang kiêm nhiệm công việc ở đài xã giúp địa phương vì hiện nay vẫn chưa có ai nhận làm. Biên chế mỗi đài xã chỉ có 2 người nên khá vất vả, nếu không tâm huyết chắc không làm được”.
Anh Vũ Minh Giáo, Trưởng Đài phát thanh huyện Gia Lộc cũng cho biết: "Phụ cấp thấp nên nhiều người làm ở đài truyền thanh cấp xã nản lòng, muốn nghỉ. Mọi người còn gắn bó là vì còn thấy tâm huyết với nghề và thực hiện trách nhiệm chính trị trong tuyên truyền, định hướng thông tin".
Hiệu quả hoạt động của các ĐTTCX được Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá rất tốt, đặc biệt là trong tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thì mức phụ cấp hiện nay thấp khiến nhiều cán bộ ở ĐTTCX thiệt thòi. Đội ngũ cán bộ ở đài xã vừa phổ biến thông tin cho người dân địa phương, vừa là cộng tác viên cung cấp thông tin cho đài phát thanh cấp huyện và các cơ quan báo chí. Để tạo động lực cho họ cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ, tỉnh cần xem xét nâng mức phụ cấp; đồng thời thực hiện chế độ kiêm nhiệm để những người làm công tác truyền thanh có thêm thu nhập, gắn bó với công việc.
LÊ XUYỀN