Từ vụ học sinh tự tử nghĩ về mối quan hệ thầy và trò
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:36, 15/12/2020
Đã gần nửa tháng kể từ khi xảy ra sự việc một nữ sinh ở An Giang tự tử do không đồng tình với cách xử lý kỷ luật của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, nhưng dư âm của câu chuyện vẫn làm cho chúng ta day dứt về mối quan hệ thầy - trò, cũng như phương pháp giáo dục trong nhà trường hiện nay.
Nhắc đến học sinh, ai cũng biết câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đây là lứa tuổi định hình nhân cách, đòi hỏi sự định hướng, giáo dục, uốn nắn vô cùng cẩn thận và trách nhiệm của giáo viên. Ai trong chúng ta cũng từng trải qua thời học trò và trong bất kỳ học sinh nào dù ngoan đến đâu cũng ẩn chứa tâm lý nổi loạn. Trách nhiệm của giáo viên và nhà trường là phải phối hợp chặt chẽ với gia đình để sự nổi loạn đó chỉ là sự bồng bột nhất thời, để các em nhận ra mục đích, ý nghĩa cao đẹp nhất của cuộc sống.
Câu chuyện ở An Giang vốn dĩ rất đơn giản, nhưng cách xử lý chưa hợp lý của nhà trường và giáo viên đã đẩy sự việc theo hướng tiêu cực. Theo lý giải của nhà trường, do nữ sinh đó nghịch ngợm, nhiều lần vi phạm nội quy, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục nhưng nữ sinh này vẫn không chấp hành.
Học sinh vi phạm nội quy, quy chế là việc thường xuyên xảy ra nhưng không vì thế mà nhà trường có những biện pháp giáo dục mang tính dọa nạt, ép buộc theo kiểu “đối đầu” làm học sinh “mất mặt”, cảm thấy bị xúc phạm nên dẫn đến hành động dại dột. Nếu giáo viên chủ nhiệm biết dẹp cái tôi của mình lại, đặt câu hỏi tại sao học sinh lại có những hành động chống đối như vậy thì có thể không xảy ra câu chuyện đáng tiếc đó. Mỗi học sinh là một cá thể hoàn toàn khác biệt với các học sinh khác nên không thể áp đặt suy nghĩ “các bạn làm được sao em không làm được”. Chính lối suy nghĩ cứng nhắc đó đã giết chết sự cá biệt của mỗi học sinh.
Giáo dục không phải chỉ đơn giản là truyền thụ kiến thức. Triết lý cao nhất của giáo dục là dạy cách làm người. Vì vậy, ngoài kỹ năng sư phạm, người giáo viên phải có một trái tim đồng điệu, sự thấu hiểu với học trò để có cách xử lý thích hợp trong mọi tình huống. Một môi trường giáo dục tốt phải là nơi để học sinh nhận ra được giá trị của bản thân, hướng bản thân đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống chứ không phải là nơi bắt học sinh làm theo những quy tắc cứng nhắc. “Hãy làm bạn với học sinh” là câu chúng tôi luôn được các thầy cô trong trường sư phạm truyền dạy. Bởi vì chỉ khi sẵn sàng làm bạn với học sinh, thầy - trò mới thấu hiểu, đồng cảm với nhau hơn.
Câu chuyện ở An Giang rồi sẽ khép lại. Trước mắt, thầy hiệu trưởng đã bị đình chỉ công tác một thời gian để giải trình những vấn đề liên quan. Những sai lầm rồi sẽ bị trả giá nhưng vết thương lòng sẽ khó lành trong một sớm một chiều. Câu chuyện để lại cho xã hội và những người đang công tác trong ngành giáo dục nhiều bài học kinh nghiệm đau xót.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của khoa học, công nghệ. Thế giới ngày càng phẳng hơn, vì thế mối quan hệ thầy - trò cũng phải thay đổi cho phù hợp. Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo” và chắc chắn truyền thống tốt đẹp này sẽ được lưu giữ mãi mãi. Nhưng không vì thế mà giáo viên có quyền áp đặt suy nghĩ của mình cho học sinh, bởi không phải lúc nào giáo viên cũng đúng. Kể cả khi học sinh sai nhưng nếu giáo viên không xử lý đúng cách, các em không những không nhận ra sai lầm mà còn làm cho sai lầm càng trầm trọng hơn. Lúc đó, mục đích của giáo dục hoàn toàn thất bại.
HOÀNG THỤC