Tạc bia đá ở di tích văn hóa, tại sao không?

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:51, 18/12/2020

Đã đến lúc các di tích cần khắc bia dẫu là hơi muộn. Trước hết khắc vào bia bằng công nhận di tích của Nhà nước cấp. Sau đó khắc bia cảm tưởng của quan khách khi đến thăm di tích...

Hải Dương có hàng trăm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, là niềm tự hào của quê hương. Từ rất xa xưa, mặc dù đã biết ghi chép lên thân cây tre, lên giấy, vải, đồ gốm sứ… nhưng ông cha ta rất chú trọng đến việc khắc chữ lên bia đá. Tất cả các di tích văn hóa như đình, chùa, nghè, miếu, am, mộ, cầu đá… hầu hết đều có bia đá. Chữ khắc vào đá lâu mòn. Vì thế sau nhiều thế kỷ, bia đá vẫn là trang sách quý giúp ta hiểu được ngày xưa.

Ở động Kính Chủ (Kinh Môn) có hơn 50 bia được khắc vào vách đá (gọi là bia ma nhai). Những bia này to nhỏ khác nhau. Có bia ở trên vòm động, rất cao. Có bia ở vách động thấp. Các bia này ít bị mưa nắng và không ai chuyển đi đâu được. Nội dung các bia rất phong phú. Có bia khắc thơ của vua Lê Thánh Tông, Phạm Sư Mạnh, quan thượng thư Nguyễn Văn Đào, du sĩ Trần Quốc Trinh… Có những bia khắc ghi việc làm chùa trong động. Bia ghi lại việc tạc tượng Phật bằng đá. Lại có bia ghi khá tỉ mỉ về nghề chạm khắc đá ở Dương Nham (làng có động Kính Chủ)... Vì thế, các bia ma nhai ở động Kính Chủ mới được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Tất cả các bia đá ở di tích trong tỉnh hầu hết được khắc chữ Hán hoặc Nôm. Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã dịch các bia ấy ra quốc ngữ và xuất bản thành sách để mọi người đều đọc được. Cả tỉnh Hải Dương có hàng nghìn bia đá. Đó là những trang sách rất quý giá mà tiền nhân để lại.

Ngày xưa khi khoa học - kỹ thuật làm đá chưa phát triển, kinh tế - xã hội còn nghèo, các bia đá đều do thợ thủ công rất vất vả mới làm được. Rõ ràng ông cha ta rất có ý thức để lại cho con cháu mới làm nhiều bia đến thế.

Ngày nay, các di tích văn hóa vẫn còn và được trùng tu, tôn tạo đẹp hơn, quy mô hơn. Nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt. Tấm bằng được lồng khung kính, treo trang trọng trong di tích. Có thể gọi đấy là "Sắc phong", rất quý giá. Tuy vậy, những tấm “Sắc phong” bằng giấy mới có vài ba chục năm mà chữ đã mờ, dấu đỏ đã phai màu. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tạc vào bia đá cho du khách đọc. Những di sản nổi tiếng như Kiếp Bạc, Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, Chu Văn An đã từng đón các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đón khách quốc tế, khách các địa phương đến thăm. Không ít thơ của các thi sĩ ca ngợi di tích. Có di tích còn gắn liền với chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Ngay động Kính Chủ là nơi bom Mỹ ném vào cửa động làm gẫy vách nhũ đá ngăn giữa hai vòm hang. Cái giếng tròn ở sân trước cửa động nhìn xuống là hố bom Mỹ được cải tạo… Rất nhiều sự kiện mang tính lịch sử gắn liền với di tích văn hóa nhưng không được khắc vào bia đá cho du khách đọc, mặc dù thời nay kỹ nghệ làm bia, khắc chữ khá hiện đại. 

Đã đến lúc các di tích cần khắc bia dẫu là hơi muộn. Trước hết khắc vào bia bằng công nhận di tích của Nhà nước cấp. Sau đó khắc bia cảm tưởng của quan khách khi đến thăm di tích. Tất nhiên phải chọn lựa những lời đánh giá, ca ngợi của những danh nhân, anh hùng… Tiếp đến khắc bia những người có công với di tích. Cả những bài thơ hay về di tích đã được đăng báo cũng nên chọn lọc khắc bia. Làm như vậy, các di tích sẽ thêm tư liệu vừa để lại cho đời sau, vừa giới thiệu với du khách. Việc khắc bia chắc chắn chỉ có lợi cho di tích và vùng quê có di tích.

VĂN DUY(Kinh Môn)