Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng vụ "Giáo viên IELTS 8.0 vẫn chưa đủ điều kiện dạy ở Việt Nam"
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 17:31, 21/12/2020
>> Giáo viên có điểm IELTS 8.0 vẫn chưa đủ điều kiện dạy ở Việt Nam!
Công văn trả lời chiều 21.12 của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ, giảng dạy tiếng Anh quốc tế
Chiều 21.12, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ông Mai Văn Trinh ký công văn trả lời gửi Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội liên quan các chứng chỉ làm điều kiện cấp phép lao động cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua Bộ GD-ĐT nhận được công văn của bốn đơn vị chuyên giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội phản ánh việc giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài có điểm thi IELTS, chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế nhưng không được cấp phép lao động.
Đây là nội dung phóng viên đã phản ánh trong bài viết "Giáo viên có điểm IELTS 8.0 vẫn chưa đủ điều kiện dạy ở Việt Nam!"
Công văn trả lời của Bộ GD-ĐT cho rằng khái niệm "giáo viên là người bản ngữ" trong thông tư 21/2018 của Bộ GD-ĐT được hiểu giáo viên là người nước ngoài dạy ngoại ngữ mà ngôn ngữ đó là ngôn ngữ thứ nhất của giáo viên.
Liên quan đến chứng chỉ IELTS, Bộ GD-ĐT cho biết đây là kỳ thi đánh giá khả năng tiếng Anh, xác định trình độ tiếng Anh của thí sinh với khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu. Hiện nay chưa có qui định qui đổi tương đương giữa chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức nước ngoài cấp và chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, khung năng lực Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng theo khung châu Âu và một số khung trình độ tiếng Anh của một số nước. Hiện đã có qui định qui đổi tương thích từ khung năng lực Việt Nam sang khung châu Âu. Do đó, nếu điểm bài thi IELTS được công nhận tham chiếu tương đương với khung châu Âu thì có thể quy đổi tương đương sang khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện tại Việt Nam chưa có đơn vị nào được phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài và cũng chưa có qui định về việc công nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh do tổ chức nước ngoài cấp. Trên thế giới đã có một số chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đã được kiểm định, công nhận và sử dụng khá phổ biến như TESOL, TEFL, CELTA.
Vì vậy Cục quản lý chất lượng đề nghị Sở LĐ-TB&XH Hà Nội xem xét và có thể chấp nhận chứng chỉ TESOL, TEFL, CELTA là điều kiện để cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài.
Theo Tuổi trẻ