Cải thiện chất lượng dân số
Xã hội - Ngày đăng : 16:50, 26/12/2020
Sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp đo thính lực cho trẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương
Thời gian qua, công tác dân số của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bảo đảm sức khỏe từ những năm tháng đầu đời
Mấy ngày trước, chị Lương Thị Quỳnh sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Được các nhân viên y tế tư vấn, chị không hề đắn đo, quyết định tham gia sàng lọc sơ sinh theo phương pháp lấy máu gót chân cho con. "Tôi nghĩ kinh phí của việc sàng lọc này không phải quá lớn. Mình chỉ cần cân đối việc chi tiêu trong gia đình một chút là có thể chi trả được. Nhờ sàng lọc mình sẽ biết được tình trạng sức khỏe của con. Trường hợp con mắc hoặc có nguy cơ mắc một số bệnh nào đó sẽ được can thiệp, điều trị sớm. Như thế sức khỏe của con được bảo đảm và mình cũng yên tâm hơn rất nhiều", chị Quỳnh chia sẻ.
Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm các bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển thể chất, tâm thần của trẻ. Nhờ sự tuyên truyền tích cực của cán bộ ngành dân số, các nhân viên y tế trong thời gian qua nên suy nghĩ của chị Quỳnh cũng đã trở thành suy nghĩ của nhiều người làm cha mẹ hiện nay. Tính đến tháng 11, toàn tỉnh có 42,6% số trẻ sinh ra được tham gia sàng lọc sơ sinh (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Qua đó, đã phát hiện khoảng 30 trẻ mắc các bệnh lý như suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, rối loạn chuyển hóa, tăng sản tuyến thượng thận...
Bên cạnh đó, ngành dân số cũng tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ có thai tham gia sàng lọc trước sinh. Đến nay đã có gần 77% số phụ nữ có thai tham gia. Từ đầu năm đến hết tháng 9, phương pháp này đã giúp phát hiện, nghi ngờ 18 trẻ trong bụng mẹ có các dị tật bất thường. Qua đó, có các biện pháp can thiệp phù hợp với từng trường hợp. Ngoài ra, để các bạn trẻ trong lứa tuổi kết hôn có kiến thức trước khi sinh con, ngành dân số tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 390 câu lạc bộ "Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân", "Các bạn gái tiêu biểu" với sự tham gia của hơn 9.000 người trong tỉnh.
Thời gian qua, Hải Dương luôn được đánh giá cao trong công tác tiêm chủng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giống như cả nước, tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh không đạt kế hoạch. Dù vậy, trong 5 năm gần đây, Hải Dương luôn duy trì hơn 99% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Tỉnh cũng duy trì tốt hoạt động cân đo cho trẻ dưới 5 tuổi để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, đưa ra các biện pháp cải thiện cho trẻ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi trong tỉnh giảm dần và duy trì ổn định trong ngưỡng cho phép.
Hướng đến phát triển bền vững
Để bảo đảm công tác dân số phát triển bền vững là một bài toán khó đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Hiện tư tưởng phải có con trai để "nối dõi tông đường" là nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, làm mất cân bằng giới tính khi sinh, gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.
Hải Dương nằm trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nơi từ lâu tư tưởng lạc hậu này đã ăn sâu vào tiềm thức không ít người. Cách đây khoảng 10 năm, tỷ số giới tính khi sinh của Hải Dương là 122 trẻ trai/100 trẻ gái (mức bình quân chung cả nước thời điểm này là 111,2/100). Suốt trong thời gian qua, ngành dân số đã tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về giới, phổ biến các quy định về cấm lựa chọn giới tính thai nhi đến người dân. Để nâng cao hiệu quả, ngành phối hợp với nhiều đơn vị, đoàn thể tổ chức các chương trình tuyên truyền lồng ghép, đưa nội dung này đến tận các thôn, khu dân cư, từng dòng họ, gia đình. Kết quả, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta giảm đều hằng năm. Đến nay, tỷ lệ này là khoảng 114 trẻ trai/100 trẻ gái, thấp hơn mức bình quân chung của một số tỉnh lân cận.
Ở nhiều lĩnh vực khác, nhờ triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp can thiệp, Hải Dương đã đạt những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tiếp tục duy trì mức sinh thay thế bình quân là 2,17con/cặp vợ chồng trong suốt giai đoạn 2015-2019. Dân số trong độ tuổi lao động tăng cao ở mức 65,7% và bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Tuổi thọ bình quân của người dân hiện đạt khoảng 74,9 tuổi, cao hơn trung bình của cả nước...
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26.12) năm nay với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững", ngành dân số tỉnh tập trung tuyên truyền việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cũng như sự hưởng ứng tích cực của toàn thể nhân dân để nâng cao chất lượng dân số.
NGỌC THANH