Kim Thành: Thơm nồng hương Dưỡng Thái Bắc
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:17, 06/01/2021
Năm 2020, làng nghề làm hương Dưỡng Thái Bắc đạt doanh thu khoảng 160 tỷ đồng
Đến thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành) những ngày này dễ dàng bắt gặp những bó hương đang được phơi đầy sân của các hộ dân. Đây là làng làm hương truyền thống nổi tiếng, có từ hơn một trăm năm nay.
Trải qua bao thăng trầm, sản phẩm hương Dưỡng Thái Bắc vẫn giữ được những đặc trưng riêng từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức đa dạng. Thôn hiện có hơn 40 hộ sản xuất hương. Thời điểm này, hầu hết các hộ làm nghề đều đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, chuẩn bị máy móc để sẵn sàng sản xuất hương với số lượng lớn phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm và lễ hội đầu xuân.
Hương của làng nghề truyền thống Dưỡng Thái Bắc rất đa dạng về chủng loại, kích cỡ với nhiều sản phẩm được khách hàng ưa thích như hương bài, hương nhúng, hương xoắn, hương nụ… Đặc biệt có loại hương dài đến 1,5 m, đường kính 7 cm dùng cho các ngày lễ ở các đình, chùa.
Để có được mùi hương nhẹ nhàng, dìu dịu đặc trưng riêng biệt, mang lại cảm giác linh thiêng và thành kính, người làm hương ở Dưỡng Thái Bắc phải chuẩn bị kỹ lưỡng các loại nguyên liệu để làm hương gia truyền như nhựa trám, than hoa, tăm tre và đặc biệt là rễ cây bài được mua từ các vùng ở Bắc Giang, Quảng Ninh… Nếu làm hương bằng máy thì phải có thêm nguyên liệu như hồi, quế, đinh hương. Nguyên liệu sau khi nhập về được phơi khô, nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ nhất định. Tùy theo công thức pha chế gia truyền của mỗi cơ sở mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau.
Anh Trần Văn Nhật, chủ cơ sở sản xuất hương Nhật Thúy cho biết ngay từ đầu tháng 10, cơ sở của gia đình anh sản xuất hương không kịp đơn hàng của các đại lý nên phải bố trí công nhân làm thêm cả tối. Trước đây, với cách làm thủ công truyền thống, mỗi ngày một người thợ có thể làm được từ 7.000 đến 1 vạn cây, còn hiện nay làm máy cho sản lượng tăng gấp 3 lần.
Cơ sở của gia đình anh Nhật sản xuất hương với quy mô tương đối lớn, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 công nhân, phần lớn là người cao tuổi. Người lao động ở đây có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết năm 2020, làng nghề làm hương Dưỡng Thái Bắc đạt sản lượng xấp xỉ 65 triệu nén/năm với doanh thu khoảng 160 tỷ đồng. Nghề làm hương truyền thống đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 lên 57 triệu đồng. Nhiều cơ sở sản xuất hương tại đây đã đưa phương tiện máy móc vào sản xuất. Sự kết hợp giữa thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại đã phát huy hiệu quả sản xuất bởi sản lượng hương tăng cao, hương thơm đặc trưng vốn có, mẫu mã đẹp.
THÀNH ĐẠT