Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần: Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:07, 26/01/2021
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ đang xem xét "văn bản hoá" cho phép thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học nhiều lần thay vì chỉ một lần như các năm trước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin ban đầu, chính sách cụ thể thế nào sẽ được Bộ soạn thảo và quy định cụ thể trong thời gian tới.
Như các năm trước, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng thực hiện cập nhật thông tin xét tuyển, sơ tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực... lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe.
Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ điều chỉnh và công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của mỗi trường cho phù hợp với tình hình phổ điểm của thí sinh.
Từ căn cứ đó, các thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần duy nhất bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại điểm nộp phiếu đăng ký điều chỉnh trong thời gian từ 7 đến 10 ngày theo quy định.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, việc cho phép các thí sinh điều chỉnh nhiều lần trước khi Bộ chốt danh sách nguyện vọng và chạy lọc ảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh được suy nghĩ chắc chắn, tăng khả năng đỗ vào các trường, ngành học như mong muốn.
"Về cơ bản việc điều chỉnh nhiều lần hay một lần không gây ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển của các trường. Dù thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bao nhiêu lần thì Bộ chỉ căn cứ và chốt nguyện vọng theo lần đăng kí cuối cùng", đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Hiện Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, phương án thi vẫn sẽ giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như 2020; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục đại học.
Việc tổ chức tuyển sinh sẽ có những cải tiến, chủ yếu là thi trên giấy nhưng sẽ từng bước tiến tới việc thi trên máy ở những nơi có đủ điều kiện và tiệm cận với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo VTC