Tiếng nói đại biểu dự Đại hội

Tin tức - Ngày đăng : 06:35, 29/01/2021

"Phải hạn chế những kẽ hở trong thể chế để chống tham nhũng", đó là chia sẻ của Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương bên lề phiên thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

"Bịt” những kẽ hở để không thể tham nhũng



Trong công tác phòng chống tham nhũng, kinh nghiệm của Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới đều khẳng định muốn chống hiệu quả phải để các đối tượng “không dám”.

Phải xử lý kiên quyết các đối tượng tham nhũng, không có vùng cấm trong công tác này. Và chống tham nhũng còn phải bằng thể chế, phải hạn chế những kẽ hở trong thể chế, đồng thời phải nâng cao thu nhập chính đáng cho công chức, đặc biệt các lĩnh vực liên quan có thể xảy ra tham nhũng, cố gắng tránh trường hợp vì khó khăn mà nảy sinh tham nhũng. Đó chính là để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng nữa.

Về những giải pháp phòng chống tham nhũng trong giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ cùng nhau nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính để phục vụ công tác này. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng. 

TRẦN QUỐC CƯỜNG 
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Công tác đối ngoại cần thực chất, hiệu quả hơn



Đường lối đối ngoại được thể hiện trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng là: Tăng cường song phương, nâng tầm đa phương. Điều này có nghĩa công tác đối ngoại cần thực chất, hiệu quả hơn đối với các mối quan hệ song phương của Việt Nam, từ đó gia tăng tin cậy, củng cố nền tảng chính trị, tăng nội hàm và thực chất hợp tác.

Hiện nay, Đảng có chủ trương nâng tầm quan hệ đa phương của Việt Nam với tinh thần Việt Nam không chỉ tích cực tham gia các cơ chế đa phương mà còn chủ động tham gia các cơ chế và đóng góp các sáng kiến đa phương. Đây là một bước phát triển trong chủ trương đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ tới. 

Về trọng tâm đối ngoại trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo, tiến tới tầm nhìn 2045, Việt Nam có đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa. Điều này được thể hiện trong hiệu quả về chính sách đối ngoại khi Việt Nam tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 hiệp định với các đối tác khác. Như vậy, không gian thương mại và đầu tư của Việt Nam rất lớn.

Để triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách đối ngoại, phải chuẩn bị tốt hệ thống chính sách theo hướng hoàn thiện hơn; hạ tầng của Việt Nam cũng phải tốt hơn, đặc biệt là hạ tầng về công nghệ số để Việt Nam có thể tham gia vào các "sân chơi" của thế giới một cách tự tin, thực chất hơn. 

HOÀNG BÌNH QUÂN
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương